Phòng Y tế huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa có đợt kiểm tra định kỳ đối với các sản phẩm bày bán tại chợ, phát hiện có chất cấm trong các mẫu cá khoai (người miền Trung gọi là cá cháo) được bán tại chợ của 4 xã, thị trấn ở huyện này.

Lực lượng liên ngành đã phát hiện formaldehyde hay formol (phoóc môn), formalin - một chất cấm, có trong các mẫu cá khoai. Sau khi phát hiện các mẫu vật dương tính với chất cấm, phòng Y tế huyện Bố Trạch đã có báo cáo lại cho các địa phương, đồng thời thông báo đến người dân. Tiếp đó, đơn vị sẽ báo lên các cấp và thực hiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

Trước đó, ngày 17/10, Đội quản lý thị trường số 10 (thuộc Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa) phối hợp với kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải kéo rơ moóc chở số lượng lớn cá khoai không rõ nguồn gốc. Kết quả test nhanh, phát hiện trong các thùng xốp chứa cá khoai có chất formol.

W-ca-khoai-1-1.jpeg
Cá khoai là món ăn ưa thích của nhiều người. Ảnh minh họa: Hoàng Linh

Hồi năm 2021, 72 công nhân một nhà máy chế biến rau quả xuất nhập khẩu ở Lào Cai phải nhập viện vì biểu hiện ngộ độc, nguyên nhân được chỉ ra là do món bánh phở chứa Formaldehyde.

Formaldehyde là chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Theo Bộ Y tế, nếu hít phải hơi formaldehit gây kích thích mắt, mũi, đường hô hấp, gây co thắt thanh quản. Hít một lượng lớn có thể gây viêm phổi, phù phổi cấp.

Nếu nuốt phải chất này có thể gây viêm dạ dày, ruột cấp tính với triệu chứng đau miệng và đau bụng dữ dội, nôn, nôn ra máu, đái máu và tiếp theo là thiểu niệu, vô niệu. Trong khi nếu tiếp xúc qua da, chất này có thể gây hoại tử da, dị ứng, viêm da. 

Rất khó để nhận biết thực phẩm có chứa formol bằng mắt thường. Vì vậy, khi mua thực phẩm, các chuyên gia khuyên người dân nên chọn những thực phẩm tươi, sờ ấn vào còn mềm mại và không bị khô cứng.

Hoàng Linh