Theo báo cáo của Sở Y tế, Hà Nội hiện có hơn 76.800 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

9 tháng đầu năm năm 2023, Hà Nội thanh tra, hậu kiểm 386 cơ sở thực phẩm, phát hiện và xử lý vi phạm 75 cơ sở. Lỗi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận GMP, nhãn phụ sản phẩm ghi không đúng, không đủ theo quy định...

Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, ngành y tế Hà Nội đã phối hợp với chính quyền các địa phương duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố tại tất cả phường, xã, thị trấn. 

Sau gần 6 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, đến nay, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được hơn 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện. Đây là mô hình mới về tuyến phố chuẩn 10 tiêu chí an toàn thực phẩm và 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm của thành phố Hà Nội.

W-an-toan-thucpham-1.jpg
Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy gắn biển Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại phố Vũ Phạm Hàm. Ảnh: Hoàng Linh

Mới đây, quận Long Biên ra mắt mô hình này tại tuyến phố Trạm, phường Long Biên, nơi có 1 nhà hàng, 28 cửa hàng ăn uống và 4 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.  

Mô hình này được đánh giá là một trong nhiều giải pháp quận Long Biên và Hà Nội triển khai nhằm nâng cao chất lượng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến rõ nét về cảnh quan, vệ sinh môi trường. Đặc biệt là nhận thức của chủ cơ sở và người tham gia kinh doanh trong đảm bảo an toàn thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt

Ngoài mô hình Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, Hà Nội cũng duy trì các mô hình điểm như kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người; nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học...

Hoàng Linh