PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trước đây đối tượng dùng chất gây nghiện chủ yếu là nam giới. Hiện nay xuất hiện nhiều chất gây nghiện mang tính giải trí (cần sa, khí cười…), tỷ lệ sử dụng giữa nam và nữ không chênh lệch nhiều. 

Tại Hội thảo Sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên, PGS.TS Tuấn chia sẻ thêm trước đây, chất gây nghiện là thuốc phiện sau đó thêm heroin, rượu, thuốc lá, thuốc lá điện tử. Hiện nay, chất gây nghiện phong phú hơn với sự xuất hiện của ketamine, thuốc lắc, nấm ảo giác, khí cười... Bên cạnh đó, còn có xu hướng trộn nhiều loại với nhau, tăng cảm giác kích thích khi sử dụng.

Thông tin thêm về chất gây nghiện mới được vị thành niên sử dụng, TS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, cách đây 2 năm, tại Việt Nam nổi lên nước xoài - một dạng ma túy. “Nhiều bạn trẻ thấy gói nước xoài quảng cáo 100% xoài nguyên chất, bao bì rất đẹp, giá 2 triệu đồng/gói nên mua sử dụng”, TS Hà nói. 

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ tại hội thảo

Hiện nay, thị trường chất gây nghiện còn có kẹo socola, là loại cần sa dạng tổng hợp, được phát hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 2013. Đến 2018, đây là loại chất gây nghiện bất hợp pháp thứ 3 bị thu giữ tại Mỹ. “Cần sa, đặc biệt là cần sa tổng hợp khi sử dụng liên tục sẽ kích hoạt gen gây loạn thần của người bệnh. Sau này, trẻ thường bị rối loạn tâm thần mạn tính”, TS Hà thông tin. Một loại cần sa tổng hợp khác, các bác sĩ cảnh báo cũng được tìm thấy trong thuốc lá điện tử khiến nhiều người trẻ mê mẩn. 

Các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần thông tin, mỗi ngày viện tiếp nhận hàng chục ca trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện. BSCKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc chia sẻ, tỷ lệ sử dụng bóng cười, cần sa, thuốc lắc… ở thanh thiếu niên chiếm phần lớn, đặc biệt bóng cười. Có trường hợp nữ sinh dùng nhiều tới mức chi 5-7 triệu đồng/lần dùng bóng cười. Thậm chí, có trường hợp xuất hiện dấu hiệu nặng nề đến mức tê yếu liệt chi, phải đi xe lăn đến viện khám do dùng chất gây nghiện khiến thần kinh bị phá hủy, tổn thương.

“Nữ bệnh nhân tuổi vị thành niên dùng 5-7 triệu đồng/ngày bóng cười đã 3 lần phải nhập viện. Em tìm hiểu rất kỹ về bóng cười. Sau khi dùng, em còn thuê người đến nhà tiêm truyền vitamin B12 (dùng nhiều bóng cười dẫn tới thiếu hụt vitamin B12). Khi nhập viện, qua xét nghiệm, nữ bệnh nhân xuất hiện tác hại do bóng cười là thiếu hồng cầu, còn xét nghiệm vitamin B12 không bị thiếu”, bác sĩ nói.

Bác sĩ Ngọc chia sẻ thêm, nữ bệnh nhân rất hiểu biết về các chất gây nghiện này. Khi mới vào viện, cô bé còn dọa sẽ kiện mẹ với lý do "bóng cười không phải là chất cấm, mẹ không thể bắt con vào viện”. Sau đó, khi được phân tích, bệnh nhân mới chấp nhận và hứa sẽ từ bỏ. 

Các bác sĩ lý giải do bóng cười khá dễ thử và cho cảm giác sảng khoái nhưng nhanh hết, nên trẻ dùng nhiều. Các bác sĩ cũng chia sẻ về ca bệnh là một nam sinh 16 tuổi, ở Hà Nội nhập viện tháng 6/2022. 

Nam sinh dùng chất gây nghiện từ lớp 9, chủ yếu cần sa, sau đó dùng thêm bóng cười, ketamin. “Cậu bé này tìm hiểu kỹ là dùng mấy hơi sẽ như thế nào, ví dụ 5 hơi em sẽ bị quá liều, 3 hơi là phê”, bác sĩ Ngọc cho biết. Gia đình em có nhiều vấn đề khi người bố nghiện rượu, thuốc lá. Em cũng thường xuyên bị bố trách mắng. Hiện tại, em chuẩn bị lên lớp 11, hằng tuần vào thứ 7, em và nhóm bạn thường rủ nhau dùng cần sa. Nam sinh này cũng tự mua và dùng thêm 2-3 lần/tuần. 

Tháng 6 vừa qua, em vào viện sau một lần bị bố mắng dữ dội do học chuyên về môn điền kinh nhưng thành tích không tốt. Nam sinh biết hút 5 hơi sẽ quá liều với em nhưng vẫn cố tình hút. Em thường có tấm bìa trong nhà, trường hợp hút nhiều sẽ cắn nhưng lần này, không cắn vào tấm bìa dẫn đến phải vào viện cấp cứu do cắn vào lưỡi. Sau khi được xử lý tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được chuyển sang viện Sức khỏe tâm thần. 

Hai tuần điều trị tại viện, nam sinh chia sẻ và khóc rất nhiều. Xuất hiện trong buổi trị liệu về tâm lý đầu tiên, người bố của em không hợp tác, đổ lỗi cho con học kém dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Sau đó, người bố dần hợp tác hơn và họ có thể chia sẻ nhiều hơn với nhau. Trước khi ra viện, gia đình ngồi lại với nhau, hơn 4 tiếng đồng hồ, để trao đổi và tháo gỡ. Bạn trẻ hứa sẽ không dùng chất kích thích dưới sự động viên của gia đình và các bác sĩ.

Tại hội thảo, Ths.Bs Bùi Văn Toàn, Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần, cũng cho rằng, xu hướng sử dụng chất gây nghiện ở tuổi vị thành niên đa phần do gia đình - một môi trường rất quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều em muốn chứng tỏ bản thân đã trưởng thành dẫn đến lạm dụng và nghiện các chất này. Vì vậy Ths.BS Toàn nhấn mạnh việc điều trị khi trẻ sử dụng chất gây nghiện dựa vào gia đình là vô cùng quan trọng.

"Ngay khi trẻ có biểu hiện hoặc phát hiện trẻ có sử dụng chất gây nghiện, gia đình cần tỏ rõ quan điểm, đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Trẻ sử dụng chất gây nghiện chủ yếu do stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần theo dõi, giải quyết những vấn đề của trẻ để trẻ không tái sử dụng chất gây nghiện", Ths.BS Toàn nói.