Chất thải nhựa

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), trung bình hàng năm toàn cầu đón nhận khoảng 20 triệu tấn chất thải nhựa (CTN) con số này được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2040. Khoảng 80% nhựa trong đại dương bắt nguồn từ đất liền và đa phần không thể tái chế vì nhựa trong nước bị phân hủy bởi muối, ánh sáng thu hút độc tố và vi sinh vật, đồng thời việc làm sạch và phân loại cũng rất tốn kém. Nếu không có sự can thiệp lớn thì khoảng 23-37 triệu tấn CTN mỗi năm có thể xâm nhập vào đại dương vào năm 2040.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hàng năm có khoảng 2,8 đến 3,1 triệu tấn CTN được thải ra trên đất liền, hơn một nửa trong số đó chưa được xử lý tốt, nếu không được chôn lấp tại các bãi rác thì sẽ chôn tại các bãi chôn lấp chất thải tự phát, đốt lộ thiên, hoặc vứt xuống ao, hồ, sông, suối. 

Phần lớn ô nhiễm nhựa xuất phát từ các sản phẩm dùng một lần như chai lọ, nắp chai, điếu thuốc lá, túi mua sắm, cốc và ống hút. Ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến tất cả các hệ sinh thái trên đất liền, nước ngọt và biển. Đây là một nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái, đồng thời góp phần vào biến đổi khí hậu, đe dọa sức khỏe con người, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và nước, gây gánh nặng cho các hoạt động kinh tế trong việc xử lý rác thải.

Thu gom chất thải nhựa

Một phần lớn dân số thế giới (ít nhất 2 tỷ người) có thể không được tiếp cận với các hệ thống thu gom chất thải rắn, làm tăng nguy cơ CTN thoát ra môi trường. Trung bình tỷ lệ thu gom tại các nước là khác nhau và hiệu suất thu gom đạt 100% chỉ diễn ra ở các nước thu nhập cao (UNEP).

Tại Việt Nam, ước tính tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát thải hơn 60.000 tấn/ngày (khu vực đô thị phát thải hơn 30.000 tấn/ngày và khu vực nông thôn phát thải hơn 20.000 tấn/ngày), tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92%, 8% khối lượng CTRSH không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn trung bình cả nước chỉ đạt khoảng 66% một con số khá thấp và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ thu gom cao nhất 87,5%, vùng có tỷ lệ thu gom thấp nhất là Tây Nguyên 29,1%. Tại khu vực các vùng sâu, vùng xa, xã đảo, việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR còn gặp khó khăn như: việc thu gom và vận chuyển CTR vào đất liền, khu vực tập trung để xử lý của cấp huyện không đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường (cự ly vận chuyển xa, chi phí cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khi vận chuyển trên biển); diện tích đất đảo không lớn nên việc lựa chọn vị trí xây dựng các bãi chôn lấp CTR khó khăn (quy mô, diện tích, khoảng cách an toàn môi trường ...); khối lượng CTR phát sinh không đủ lớn để đầu tư các lò đốt CTR đảm bảo công suất theo quy định.

Phân loại CTN được thực hiện từ hai nguồn: (i) tại các nhà máy xử lý chất thải, cơ sở xử lý hoặc điểm tập kết CTRSH; (ii) lực lượng phi chính thức (ve chai, người thu nhặt rác,…) hoặc nhân viên thu gom, vận chuyển rác. Ước tính khối lượng CTN được phân loại cho tái chế tại cơ sở xử lý khoảng 0,8 triệu tấn và nguồn thu gom không chính thức khoảng 0,1 triệu tấn. Tổng khối lượng CTN được phân loại cho tái chế là 0,9 triệu tấn, tương ứng với khoảng 30% khối lượng CTN phát sinh.

Thu gom rác thải đúng cách là bước thiết yếu đầu tiên trong việc quản lý CTN. Nó xác định loại hệ thống nào có thể được đưa ra để xử lý trước, phân loại, tái chế, thu hồi và xử lý cuối cùng. Dịch vụ thu gom đúng cách có thể dẫn đến việc tăng thu gom rác thải nhựa từ các khu dân cư và ít đổ rác và đốt rác thải nhựa lộ thiên, đồng thời giảm số lượng rác thải nhựa ra đại dương.

Phương án xử lý chất thải nhựa

Hiện nay trên thế giới đang có bốn phương án xử lý chất thải chính: tái chế cơ học, tái chế hóa học, hỏa táng (đốt rác) và bãi chôn lấp, lần lượt chiếm 16%, <1%, 25% và 40% (UNEP). 

Như có thế thấy phương án bãi chôn lấp là phổ biến nhất chủ yếu vì chi phí xử lý thấp và không đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao, tuy nhiên phương án này cũng gây ra tiềm năng rủi ro cao như việc CTN còn xót lại xâm nhập vào môi trường gây tắc nghẽn trong lòng đất, gây ô nhiễm đất, nước ngầm, tác động sức khỏe con người bên cạnh đó gây mất nguồn tài nguyên vì không được phục hồi. Tiếp theo đó là phương án đốt, thường được sử dụng cho CTN không thể tái chế hoặc khó tái chế, bên cạnh tiềm năng tạo ra năng lượng đáng kể và có thể được sử dụng để sản xuất nhiệt và / hoặc điện cho sử dụng công nghiệp, thì việc đốt CTN là tác nhân chính tạo ra khí độc như: acetaldehyde, acetone, benzaldehyde, benzole, formaldehyde, phosgene, dioxin,..., và việc đốt nhựa mà không thu hồi năng lượng dẫn đến mất tài nguyên. Để giảm thiểu phương án này nhiều quốc gia đã tăng thuế hoặc ra lệnh cấm để tăng cường việc thu gom tái chế nhựa.

racthainhua.jpg
Khối phế liệu chất thải nhựa để tái chế

Tái chế đang là phương án được quan tâm và ưu ái nhất để phục hồi tài nguyên. Trong đó tái chế cơ học là quá trình đơn giản nhất. Bao gồm phân loại, làm sạch, tạo hạt/xé nhỏ, sấy khô, nóng chảy, đùn và tạo viên (hạt nhựa). Tái chế nhựa hỗn hợp một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí, cùng với mức độ ô nhiễm cao, có lẽ là những thách thức lớn nhất mà ngành tái chế cơ học đang đối mặt. Về mặt kỹ thuật, có thể tách hầu hết các loại nhựa hỗn hợp thành các dòng nhận dạng được, nhưng không phải tất cả các polymer đều có thể được xử lý cơ học. Chỉ các polymer nhựa nhiệt dẻo như polyethylene (PE), polypropylene (PP), polyethylene terephthalate (PET) mới được tái chế cơ học. Tái chế cơ học đang ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn bởi những tiến bộ trong công nghệ, hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhựa có thể tái chế. Hiệu quả của tái chế cơ học nhựa có thể được tăng lên đáng kể thông qua việc thiết kế lại các sản phẩm nhựa. Ví dụ: sẽ dễ dàng tái chế các mặt hàng làm từ một loại polymer thay vì nhiều loại. Tăng cường thị trường thứ cấp cho vật liệu tái chế cũng là chìa khóa để tăng tỷ lệ tái chế nhựa. 

Một giải pháp thay thế cho tái chế cơ học là tái chế hóa học. Phương án này tập trung vào việc cải thiện phương án tái chế cơ học đối với các CTN hỗn hợp, các polymer truyền thống không thể tái chế, do đó tránh phải phân loại. Mặc dù tái chế hóa học đang phát triển nhanh chóng, tuy nhiên vẫn chưa được phổ biến và chỉ được áp dụng ở các nước có nền kinh tế tiên tiến, do chi phí vốn cao và yêu cầu chuyên môn đặc biệt. Tuy nhiên tiềm năng mà phương pháp này đem lại đó là cơ hội mới để tái chế nhiều nhựa hơn và ít gây áp lực hơn cho các hệ thống thu gom, có thể áp dụng cho nhiều loại CTN.

Hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có ba phương án xử lý CTN đó là chôn lấp, đốt rác và tái chế. Trong đó chôn lấp là phương án xử lý chất thải được áp dụng phổ biến nhất chiếm khoảng 70% tuy nhiên chỉ có 15% trong số đó là được chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc bãi tập kết chất thải không được thiết kế đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Đối với các bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các thành phố lớn hầu hết đều gặp phải tình trạng quá tải. 

Đốt rác được thực hiện theo hai nhóm đó là đốt rác tự phát thường diễn ra tại các bãi rác ở khu vực nông thôn hoặc tại các hộ gia đình không theo quy trình xử lý và đốt rác có kiểm soát tại các nhà máy, khu liên hợp xử lý chất thải với quy mô từ vài chục tấn đến hàng nghìn tấn/ngày. Năng lượng nhiệt tại các nhà máy đốt rác có thể thu hồi để phục vụ phát điện (nhà máy điện rác tại Tp. Hà Nội và Cần Thơ).

Hoạt động tái chế nhựa từ CTRSH tại Việt Nam chủ yếu mang tính tự phát nên việc ước lượng tỷ lệ CTN được tái chế còn gặp nhiều khó khăn. Với con số đưa ra ở trên thì khối lượng CTN thực tế được đưa vào tái chế chiếm 90% và 10% còn lại sẽ bị thất thoát trong quá trình tái chế.

(Còn tiếp)