Theo Guardian, trong những tháng vừa qua, châu Âu đã phải trải qua đợt hạn hán và nắng nóng kéo dài bất thường, khiến lượng nước của các con sông lớn giảm mạnh đột ngột, gây ra những nguy cơ tiềm tàng với các ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, năng lượng và sản xuất lương thực.

Tại Pháp, mực nước của sông Loire đã xuống thấp kỷ lục, nhiều nơi người dân có thể đi bộ qua lòng sông. Vấn đề này có thể không quá nghiêm trọng với ngành vận tải, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà máy điện hạt nhân, khi nước ở các dòng sông là biện pháp làm mát chính của các lò phản ứng. Tập đoàn điện lực EDF của Pháp đang phải giảm sản lượng cung cấp vì vấn đề này.

Sông Loire của Pháp cạn trơ vì hạn hán. Ảnh: VCG

Ở Đức, mực nước sông Rhine không còn như trước khiến nhiều hãng tàu không thể cho sà lan hoạt động. Việc dừng lưu thông bằng sà lan ở sông Rhine sẽ khiến nền kinh tế của Đức và châu Âu gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia từng tính toán rằng việc đình chỉ lưu thông sà lan 6 tháng trong năm 2018 gây thiệt hại khoảng 5,1 tỉ USD.

Tại Italia, tình trạng cũng không khá hơn, khi mực nước sông Po xuống thấp nhất trong vòng 7 thập kỷ qua. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, từ sản xuất cà chua đến nhà máy thủy điện, nước uống, vận chuyển và đánh bắt cá, tất cả đều gặp khó khăn rất lớn. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Italia, việc sông Po cạn đáy có thể gây thiệt hại tới 3,1 tỷ USD.

Thời tiết mùa xuân khô hạn và mùa hè nắng nóng kỷ lục đã khiến châu Âu phải đối mặt với tình trạng cháy rừng diện rộng và các dòng sông khô cạn. Khắp tây, trung và nam châu Âu trong 2 tháng qua không ghi nhận lượng mưa đáng kể nào. Đây là đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng 500 năm qua tại châu lục này.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, "khả năng cao" hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra trong 3 tháng tới. Vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới việc vận tải hàng hóa, tưới tiêu, sản xuất, sản xuất điện và nước uống của các quốc gia ở lục địa già.

Việt Dũng