Trong 8 tháng đầu năm 2021, Đài Loan (Trung Quốc) đã nhập trên 22.170 tấn trà (chè) từ 32 đối tác trên toàn thế giới. Trong đó, 53,29% là trà Việt Nam. Về giá trị xuất khẩu, trà Việt sang Đài Loan đạt 18,55 triệu USD, chiếm 30,59% tổng kim ngạch nhập khẩu trà của nước này.

So với cùng kỳ năm ngoái, trà Việt xuất sang Đài Loan tăng 9,73% về lượng và 9% về giá trị. Với tỷ trọng xuất khẩu lớn, Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trong top 37 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 11,1 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với tháng 6/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2021 đạt 1.761,1 USD/tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2020.

{keywords}
Chè Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Đài Loan

Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 58,1 nghìn tấn, trị giá 94,9 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho biết, xuất khẩu chè Việt Nam hiện chủ yếu là ở các thị trường dễ tính, với 3 thị trường chính gồm: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga.

Pakistan vẫn là quốc gia đứng đầu về sức tiêu thụ chè của Việt Nam, con số đạt trên 17.274 tấn, tương đương với 33,41 triệu USD trong nửa đầu năm; chiếm 29,7% trong tổng lượng và chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.

Trong nửa đầu năm nay, Nga tiêu thụ sản lượng chè của Việt Nam đạt mức 6.501 tấn, tương đương với 10,33 triệu USD, giá 1.589 USD/tấn, giảm 11,8% về lượng, giảm 7% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), tính đến năm 2021 Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với diện tích lên đến 130 nghìn ha, đạt năng suất trung bình 8 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt 192 nghìn tấn/năm.

Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn phải kể đến như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).

Thanh Tùng