Nói về thực trạng giáo dục STEM trong các nhà trường, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng còn hạn chế.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa được tập huấn nhiều nên còn gặp khó khăn, lúng túng khi tiếp cận, thực hiện quy trình xây dựng chủ đề, bài học STEM, hay trong cách thức tổ chức hoạt động học tập, tiêu chí đánh giá sản phẩm học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, năng lực xây dựng kế hoạch dạy học của tổ, nhóm chuyên môn, khả năng dạy học tích hợp liên môn của nhiều giáo viên còn hạn chế (vì đa số được đào tạo đơn môn) nên gặp khó khi triển khai giáo dục STEM.

'Chỉ cần cục đất sét cũng có thể dạy STEM'

Ông Thành cũng nhìn nhận thực tế rằng trang bị thiết bị đồ dùng dạy học và cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục STEM còn hạn chế, thiếu phòng học bộ môn và các thiết bị thí nghiệm hiện đại. 

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng về thiết bị dạy học STEM cũng cần nhìn nhận tùy theo cấp độ.

“Nhiều người nói rằng không có tiền để sắm thiết bị dạy học giáo dục STEM. Nhưng tôi khẳng định không phải lúc nào cũng cần tiền. Bởi dù thiết bị có đắt tiền đi chăng nữa mà người dùng không hiệu quả thì cũng chỉ rèn cho học sinh thành công nhân chứ không phải là những kỹ sư”, ông Thành nói cho cho rằng, do đó, việc sử dụng thiết bị cần phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương.

Ông Thành đưa dẫn chứng: “Tôi chỉ cần mấy cục đất sét thôi cũng đã có thể triển khai một bài học về STEM rất tốt. Ví dụ giao cho học sinh một cục đất sét vo tròn, nếu thả xuống nước thì cục đất sét sẽ chìm xuống. Nhưng có thể đặt vấn đề yêu cầu các học sinh làm sao để khối đất sét đó có thể nổi lên được trên mặt nước. Và làm sao để khi đã nổi rồi thì có thể tính toán phần nổi lên cách mặt nước bao nhiêu.

Học sinh muốn giải quyết được vấn đề này phải học và tìm hiểu về lực đẩy Ác-si-mét trong phần kiến thức Vật lý lớp 8. Cụ thể, phải vận dụng công thức tính lực đẩy Ác-si-mét, rồi tính toán một trọng lực cân bằng phù hợp với lực đẩy đó. Như vậy, thiết bị dạy học ở đây chỉ là một cục đất sét, song qua đó, học sinh sẽ không chỉ học thuộc công thức mà vận dụng công thức để tính toán vận dụng vào việc thực tiễn. Như vậy học sinh không chỉ học vui mà còn hiểu, nhớ, biết giá trị của kiến thức”.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Do đó, ông Thành cho rằng, việc căn bản và quan trọng nhất là thiết kế nội dung dạy học.

“Tất nhiên cũng phải có các thiết bị tốt thì mới phát triển được, còn không phải lúc nào cũng chỉ là thiết bị thô sơ. Điều tôi muốn nói là các nhà trường, địa phương linh hoạt tùy vào điều kiện thực tế. Nơi có tiền có thể làm kiểu khác, nhưng những nơi không có nhiều điều kiện vẫn có thể làm được”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng đồng tình.

“Ở Đồng Tháp, một số trường ở vùng sâu, nông thôn, cũng triển khai các hoạt động trải nghiệm STEM về nông lâm nghiệp”, bà Hà nói.

Cần tăng cường tập huấn cho giáo viên

Ông Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế cho rằng, nếu chỉ dựa trên khả năng hay các nguồn lực mà chúng ta có thì đôi khi cũng sẽ gặp những khó khăn trong việc triển khai các dự án, đề án, ý tưởng của học sinh.

Do đó, ông Thọ cho rằng để đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường phổ thông cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hình thành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong công tác triển khai giáo dục STEM; đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp có cam kết đầu tư cơ sở vật chất trên địa bàn tham gia các dự án giáo dục STEM. Kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai giáo dục STEM,...

Bà Nguyễn Thúy Hà thì đề xuất, Bộ GD-ĐT quan tâm đến công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

“Hoạt động này sẽ có nhiều đổi mới, do đó, không thể nói tập huấn một lần là đủ cho đội ngũ giáo viên hiện nay. Bên cạnh đó, trong khung thời gian của chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT cần tính toán thời gian để cho học sinh, giáo viên có điều kiện hơn trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Cần có thêm thời gian và cả kinh nghiệm thì hoạt động này mới thực sự có thể triển khai rộng rãi, sâu rộng trong các trường học" - bà Hà nói.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ 

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhìn nhận thực tế hiện nay không có giáo viên dạy STEM trong trường học mà chỉ có giáo viên đơn môn.

Do đó, theo ông Độ, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai để xây dựng một đội ngũ giáo viên cốt cán, tăng cường tập huấn để hiểu được cốt lõi của vấn đề, đưa ra một số mô hình điển hình. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho hay, trong chương trình phổ thông mới có nhiều điều kiện để giáo dục STEM phát triển.

“Bởi đầu tiên, trong thiết kế chương trình đã tính tới việc này bằng việc xác định kiến thức không hàn lâm, gắn với thực tiễn. Đối với những bài thí nghiệm bình thường, vẫn làm STEM được nếu yêu cầu học sinh thiết kế phương án và làm thí nghiệm. Nhưng nếu kiến thức lại gắn với thực tiễn nhiều hơn thì sẽ theo quy trình kỹ thuật, tức để làm ra cái này cái kia thì phải dùng kiến thức đó và rõ ràng thuận lợi cho việc tổ chức các bài học STEM”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở những nơi mà sĩ số học sinh/lớp ít hơn thì có nhiều cơ hội hơn để tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục STEM.

Thanh Hùng

262 học sinh tranh tài tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

262 học sinh tranh tài tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Sáng nay 26/3, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm học 2020 – 2021 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.