Người đàn ông trung niên trú tại Vĩnh Phúc vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) khám bệnh vì có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, kéo dài một tuần. Ngay lập tức, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm và chiếu chụp. Trên phim chụp, bác sĩ thấy bệnh nhân nhiễm nhiều loại giun sán, đặc biệt là sán dây, ở cả não và trong cơ.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân này có sở thích ăn những món tái, sống như: gỏi cá, rau sống và tiết canh, đều là các món đặc sản, nhiều người yêu thích.
Trước đó, bệnh nhân đã có 3 đợt điều trị sán cơ và sán não. Thói quen ăn uống trên là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể người đàn ông.
Khi bị sán, nếu sán cư trú trong não (gặp ở 60-96% trường hợp), có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như nhức đầu (48,4%), động kinh (6,2%), rối loạn tâm thần (5,2%), rối loạn thị giác (15,6%), suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ (28,1%), co giật cơ (34,3%).
Ngoài ra, thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu...
Để phòng các bệnh do ký sinh trùng, bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân nên:
- Giữ môi trường sống sạch sẽ
- Ăn uống hợp vệ sinh
- Không ăn thực phẩm chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh...
- Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh
- Hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống
- Tẩy giun sán định kỳ.