Theo thông tin từ Viện Bỏng quốc gia, bệnh nhân là ông N.V.B điều trị tại Khoa Bỏng người lớn. Bệnh nhân bị tê chân không rõ nguyên nhân. Nghe truyền miệng, ông sử dụng thuốc Đông y thành phần gồm trầu không, địa liền, gừng và bó lại làm nóng để quấn vào bàn chân dẫn đến bị bỏng.

Sau đó, ông B. tự ngâm nước mát và tự thay băng tại nhà nhưng không khỏi, tổn thương bỏng tiến triển nặng hơn. Ngày 13/3, ông vào viện và được chẩn đoán bỏng diện tích 20cm2, độ V ở các ngón bàn chân trái.

Bệnh nhân được chỉ định thay băng hằng ngày, dùng kháng sinh, cắt lọc hoại tử bàn chân, kiểm tra tổn thương cho thấy do đắp thuốc đông y dẫn tới hoại tử khô quắt lan rộng đến các ngón chân còn lại.

Sau 8 ngày theo dõi các ngón chân bị hoại tử hết không còn khả năng bảo tồn, nên bác sĩ chỉ định tháo bỏ các ngón bàn chân trái. Người bệnh đã được điều trị tích cực, sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, thay băng, phẫu thuật và chăm sóc vết thương hằng ngày.

Các bác sĩ khoa Bỏng người lớn khuyến cáo việc đắp các loại lá cây hay thuốc nam vào vết thương bỏng hoặc vết thương chưa được kiểm chứng và không đảm bảo vệ sinh, có thể gây ra tổn thương hoặc tổn thương nặng hơn. Thậm chí, có thể phải tháo bỏ chi như trường hợp bệnh nhân B. hoặc dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, tử vong.

Do đó, khi bị tê chân không rõ nguyên nhân, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám và phát hiện nguyên nhân.