Theo đó, giai đoạn năm 2006-2016, Việt Nam đã thăng hạng 27 bậc, từ vị trí thứ 69 lên vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Đây là sự thăng hạng dài nhất trong số các quốc gia ASEAN trong giai đoạn 10 năm này.

Khoảng cách giữa Việt Nam và Top 5 quốc gia trong khu vực (Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia và Philippines) giờ đây đã được rút ngắn đáng kể.

Với xu thế này, báo cáo đánh giá, mục tiêu trong Nghị quyết số 23-NQ/ TW của Ban chấp hành trung ương là đưa Việt Nam vào Top 3 quốc gia cạnh tranh khu vực ASEAN vào năm 2030 là một viễn cảnh thực tế trong tầm tay. 

Giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo (MVA) trên đầu người của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tuyệt đối rất ấn tượng. Đây là một chỉ số quan trọng phản ánh năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh chung của một quốc gia. MVA ở mức giá quy đổi năm 2010 tăng nhanh từ 15,15 tỷ USD năm 2006 lên 26,61 tỷ USD năm 2016. Tăng trưởng MVA của Việt Nam có được đà tăng nhanh chóng trong giai đoạn 2011-2016, cao gần gấp 4 lần so với giai đoạn 2006-2011.

Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trong khu vực, MVA tuyệt đối của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và chỉ bằng không đầy một nửa Philippines, bằng khoảng 1/3 Malaysia, ¼ Thái Lan và 1/8 Indonesia. Để thu hẹp khoảng cách và theo kịp các quốc gia khác trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng MVA trung bình hàng năm ở mức trên 7%.

Tỷ trọng MVA trong GDP của các quốc gia công nghiệp phát triển thường nằm trong khoảng từ 20% đến 30%. Hiện, ỷ trọng MVA của Việt Nam trong GDP luôn nằm ở mức dưới 20% kể từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu triển khai chính sách “Đổi Mới”. Trong khi đó, Philippines có tỷ trọng MVA trong GDP bắt đầu ở tỷ lệ cao và sau đó sụt giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn duy trì ở mức trên 20%, Hàn Quốc và Thái Lan vẫn duy trì tỷ trọng MVA trong GDP ở mức trên 25% trong khi tỷ trọng MVA trong GDP của Malaysia và Singapore đã giảm xuống tương ứng là 22% và 17%. Tỷ trọng MVA của Indonesia trong GDP không thay đổi trong suốt 50 năm qua và giữ ổn định trong khoảng từ 15% đến 20%.

Tuy vậy, các kết quả đánh giá cho thấy rằng, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia còn chưa tạo ra được những điều kiện phù hợp để tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Hiện, Việt Nam hiện đang đứng thứ 48 về cơ cấu sản xuất và thứ 53 về phương diện động lực sản xuất. Trong số các quốc gia ASEAN, Cam-pu-chia, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia “non trẻ”. Singapore và Malaysia là các quốc gia “dẫn đầu” với xếp hạng trung bình cao hơn. Thái Lan và Philippines nằm trong số các quốc gia “kế thừa” với cơ cấu sản xuất được xếp hạng cao nhưng động lực sản xuất lại thấp hơn trung bình.

Một trong các yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút đầu tư nước ngoài là sự sẵn sàng của các ngành công nghiệp hỗ trợ và năng lực để kết nối các ngành với nhau.

{keywords}
Chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam đã cải thiện tích cực (ảnh: Thu Ngân)

Quyết định số 879/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ coi việc xây dựng các mối liên kết dọc và ngang giữa các ngành công nghiệp (nghĩa là tăng cường mật độ công nghiệp) vào năm 2025 là có vai trò cực kỳ quan trọng. Việc tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành sản xuất sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử và viễn thông để phục vụ sản xuất công nghiệp, cũng như sự tham gia đồng thời vào mạng lưới sản xuất toàn cầu là mấu chốt nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thu Ngân