Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh (SN 1988, Hà Nội) từng đạt 9.0 IELTS overall, trở thành một trong số ít người tại Việt Nam đạt được điểm số tuyệt đối của chứng chỉ này. Trong đó 3 kỹ năng Listening, Reading và Speaking đạt điểm tuyệt đối 9.0, kỹ năng Writing đạt 8.0.

Quỳnh cho hay, bản thân không phải là người ôn thi kiểu truyền thống mà là một quá trình lâu dài nên “cứ thế đi thi”.

ngoc quynh.jpg
Ngọc Quỳnh là người Việt thứ 6 đạt điểm tuyệt đối 9.0 IELTS tại Việt Nam.

Theo Quỳnh, bài thi IELTS đề cập đến nhiều chủ đề, lĩnh vực và đòi hỏi người dự thi phải có kiến thức rộng. Vì vậy, để làm tốt bài thi IELTS nói chung, cần phải đọc nhiều tài liệu học thuật, các bài báo và cập nhật thông tin trong cuộc sống. 

“Mình nhận thấy qua quá trình đi học, đi làm ở nước ngoài, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của mình sâu sắc hơn, vốn hiểu biết về các chủ đề và tiếng Anh học thuật cũng trở nên phong phú hơn. Vì thế mình có kiến thức nền khá tốt, khi đi thi sẽ không bị bất ngờ trước các chủ đề đa dạng của IELTS”.

Quỳnh nhận thấy nhiều các bạn học sinh thi IELTS tại Việt Nam đều đang có cách học Tiếng Anh nói chung và ôn thi IELTS nói riêng khá truyền thống. “Các bạn khá chú trọng đến các mẹo làm bài, các công thức luyện thi và áp dụng một cách máy móc, ít rèn luyện tư duy”, Quỳnh chia sẻ. 

Chính vì thế, theo Quỳnh, các thí sinh thường xuyên gặp tình trạng “bí” ý tưởng và khó phát triển được các ý trong bài, đặc biệt đối với 2 kỹ năng Writing và Speaking. Để cải thiện 2 kĩ năng này, theo Quỳnh, nên học cách tư duy ý tưởng để trình bày bài nói, viết được mạch lạc, rõ ràng. 

“Việc học là phải tư duy, chứ không nên áp dụng công thức vì sẽ khiến suy nghĩ bị bó hẹp. Ngoài từ vựng và ngữ pháp, việc có ý tưởng tốt và triển khai sâu là 1 điểm cộng lớn trong bài thi. Điều này đặc biệt khó khi thời gian bài Viết là rất ngắn” - Quỳnh nói.

Đối với kỹ năng Speaking, Quỳnh cho biết phải chú ý đến việc phát âm chuẩn vì đây là tiêu chí chấm điểm quan trọng. Thêm vào đó, việc phát âm tốt sẽ gây ấn tượng cho giám khảo ngay từ đầu. “Phát âm là tiêu chí cơ bản mà rất nhiều thí sinh bỏ qua. Nhiều thí sinh khi nói thường bỏ qua âm đuôi, âm gió, không phân biệt âm ngắn, dài… gây hạn chế rất nhiều cho bài Nói” - Quỳnh nói.

Đối với kỹ năng Reading, Quỳnh cho biết không nên lạm dụng các kĩ thuật Scanning, Skimming và gạch keywords (từ khóa). Theo chị, cách làm bài tốt nhất vẫn là đọc toàn bộ bài, cố gắng nắm bắt được nội dung chính của toàn bài cũng như nội dung của từng đoạn.  

Ngoài ra, đối với dạng bài True - False và Yes - No, Quỳnh cho biết 2 dạng này thường khiến thí sinh nhầm lẫn. “True-False là thứ được ghi rõ ở trong bài, trong khi Yes-No sẽ thường thiên về quan điểm, ý kiến của tác giả. Mình phải đánh giá được xem tác giả có thái độ như thế nào về một vấn đề".

Ngược lại, Đối với kỹ năng Listening, Quỳnh khá ủng hộ việc sử dụng cách nghe keywords. Theo Quỳnh, bài thi Listening khá nhanh, chỉ được nghe 1 lần nên cần phải tận dụng thời gian chuẩn bị để nắm được bài nói sẽ nói gì và xác định các keywords chính.

nguyen quy anh 1 657.jpg
Nguyễn Quý Anh (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) đạt được điểm số IELTS 9.0 ngay ở lần thi đầu tiên. 

Nguyễn Quý Anh (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) cũng từng xuất sắc đạt được điểm tối đa IELTS 9.0 ngay ở lần thi đầu tiên.

Với cả 3 kỹ năng Listening, Reading và Speaking đều đạt điểm tuyệt đối 9.0; kỹ năng Writing đạt 8.0; Quý Anh trở thành một trong số ít người Việt có mức điểm 9.0 IELTS. 

Quý Anh cho hay việc học Tiếng Anh sẽ tự nhiên nhất nếu mọi người có thể sử dụng trong đời sống hàng ngày theo nhu cầu của bản thân. Với Quý Anh, hai lĩnh vực em quan tâm chính là Khoa học Máy tính và Khoa học Chính trị và việc sử dụng Tiếng Anh để tiếp thu, trao đổi thông tin trong 2 lĩnh vực này như là công việc bình thường mỗi ngày.

Ngoài luyện đọc các tài liệu bằng Tiếng Anh, Quý Anh cũng thường xuyên tập phát biểu bằng cách độc thoại và việc này phần nào giúp em cải thiện kỹ năng Nói của bản thân. Riêng về kỹ năng Viết, em thường lên các mạng xã hội để viết các bài tranh luận về các chủ đề. 

“Khi đã có thể sử dụng thành thạo Tiếng Anh trong học tập và làm việc, em nghĩ mọi người nên đi thi luôn chứ không nên dành quá nhiều thời gian vào việc học thuộc ‘chay’ từ vựng, ‘cày’ đề hay học mẹo”, Quý Anh nói.

377897193 1933377693700658 3621382978851504623 n 964.jpg
Kiều Hà Trang (học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam).

Đầu tháng 9/2023, Kiều Hà Trang (học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) nhận được thông báo đạt 9.0 IELTS, trong đó cả ba kỹ năng Nghe, Nói, Đọc đều đạt 9.0, riêng kỹ năng Viết đạt 8.0. 

Song, Trang cho hay em chưa từng “cày cuốc” vì điểm số mà xem tiếng Anh như một công cụ sử dụng trong giao tiếp và học tập. Là học sinh lớp chuyên Anh, Hà Trang cho biết đây là lợi thế của em vì bạn bè xung quanh đều sử dụng tiếng Anh khá nhuần nhuyễn.

“Chúng em sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Em có một cô bạn thân, em và bạn ấy mỗi khi gặp nhau cũng đều nói chuyện bằng tiếng Anh khá tự nhiên”, nữ sinh cho hay. Trang cho biết em tiếp xúc với tiếng Anh từ khá sớm.

Khi lên 3 tuổi, Trang được mẹ cho tiếp xúc với tiếng Anh thông qua việc nghe thụ động từ sách nói hoặc truyện. Lớn hơn một chút, em được mẹ mua cho những cuốn sách thiếu nhi viết bằng tiếng Anh. Cũng nhờ thế, Trang dần quen với việc tư duy và sử dụng tiếng Anh. 

Em dùng tiếng Anh như một thứ ngôn ngữ để giao tiếp và phục vụ cho việc học tập. Em cũng “sống” trong tiếng Anh thông qua những việc mình yêu thích như đọc sách, xem phim, nghe nhạc….

Trang cho biết, hầu hết từ vựng em có được đều thông qua các kênh này. Điều đó giúp em ấn tượng, ghi nhớ sâu hơn thay vì ngồi học thuộc những từ riêng lẻ, không có bối cảnh.

Trang kể, phải đến hè năm 2023, em mới lên kế hoạch nghiêm túc thi chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, nữ sinh không quá áp lực. Theo Trang, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ, phương tiện nên cần tránh việc học thuộc “chay” từ vựng hay học “mẹo”.

Trong bài thi IELTS, phần Viết là kỹ năng Trang gặp khó khăn nhất vì chưa được tiếp xúc nhiều trước đây. “Task 1 khá đơn giản vì thường viết theo dạng, nhưng Task 2 sẽ khó hơn vì đòi hỏi thí sinh phải hiểu biết về các vấn đề xã hội và có mạch ý tưởng trôi chảy, rõ ràng”.

Trang cho biết, một cấu trúc viết cho Task 2 em cảm thấy hữu dụng là kiểu viết OREO (Opinion Reasoning Example Opinion). 

“Em ấn tượng với lối viết này vì là lối viết mạch lạc, logic. Em không dùng nhiều tài liệu, đa phần chỉ tìm kiếm trên Internet hoặc tìm trong cuốn Expert IELTS”, Trang kể.

Với phần Nói, Trang thường luyện phát âm thông qua việc trò chuyện. Bên cạnh đó, nữ sinh thường ghi âm câu trả lời cho Task 2, mỗi câu nói trong hơn 1 phút. Trước khi ghi âm, nữ sinh thường viết nhanh ý tưởng ra giấy kèm một số từ vựng liên quan muốn sử dụng trong bài nói.

Phần Đọc và Nghe vốn là thế mạnh của Trang vì đây là hai kỹ năng thường xuất hiện trong các cuộc thi, chứng chỉ thông thường. 

Trang cho rằng việc học ngoại ngữ nếu có năng khiếu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. “Có đam mê, chăm chỉ học, sẽ đạt được trình độ mong muốn, mặc dù có thể mất thời gian lâu hơn so với những bạn có năng khiếu về ngôn ngữ”, nữ sinh nói.

W-tran-khanh-ielts-6.jpeg
Trần Khánh (học sinh lớp 12 Anh 2 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đạt 9.0 IELTS.

Mới đây, Trần Khánh (học sinh lớp 12 Anh 2 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) cũng đạt được 9.0 IELTS, trong đó cả 3 kỹ năng Listening, Speaking và Reading đều đạt điểm tuyệt đối 9.0, còn kỹ năng Writing em đạt 8.0.

Chia sẻ về bí quyết đạt điểm IELTS cao, Khánh cho hay đầu tiên trong suốt quá trình học và làm bài, luôn phải có một sự tập trung cao độ.

“Chỉ khi tập trung như vậy, nghĩ đến bài thi, mình mới có suy nghĩ cẩn thận hơn. Bởi nếu xao lãng, không chỉ khiến mình mất thời gian còn dễ mắc phải những lỗi sai đáng tiếc. Trước khi làm bài thi cần có nhiều sự luyện tập làm quen với dạng thức bài sẽ gặp trong đề và cả phương tiện để làm bài, bởi thi IELTS có 2 cách thức thi: thi trên giấy hoặc trên máy tính. Ví dụ như khi làm phần Đọc hay Nghe, không nên ngại gạch chân dưới những từ khóa hay ý chính để lúc làm xong có thể khảo kiểm lại một cách dễ dàng”.

Nam sinh cũng chia sẻ “chiến thuật” học và ôn luyện từng cấu phần: 

Với kỹ năng Listening, Khánh chủ động tìm nghe các video về lịch sử, địa lý, khoa học, thời sự… bằng tiếng Anh. Khi nghe, em đồng thời ghi chép lại những gì bản thân thấy thú vị hoặc chưa rõ để sau đó có thể tra cứu thêm. Khi làm bài luyện tập, Khánh cố gắng giữ tập trung để không bị bỏ sót thông tin, lắng nghe kỹ để nắm được các từ khoá cần tìm hoặc những mảnh ghép dẫn tới đáp án cuối cùng.

Với kỹ năng Reading, Khánh tìm tòi các trang thông tin, tạp chí khoa học… để đọc và học những từ ngữ mới. “Khi làm bài, cần đọc cẩn thận để đảm bảo không hiểu sai ý của tác giả bài viết hoặc bỏ lỡ thông tin trong các phương án trả lời. Em luôn cố gắng nối kết các từ khoá trong bài với các từ khoá trong câu hỏi nhằm dễ dàng nhận thấy đâu là câu trả lời đúng”, Khánh nói.

Với kỹ năng Speaking, Khánh luôn chủ động sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với bạn bè và thầy cô trong giờ tiếng Anh, cố gắng sao cho thật tự nhiên, trôi chảy nhất. “Kết hợp với việc nghe các bài nói chuyện hay các bài nói mẫu, em sẽ hiểu rõ hơn về nội dung và cách thức trình bày bài nói của mình sao cho ấn tượng nhất với giám khảo. Chúng ta cần cẩn thận, bình tĩnh khi tiếp cận đề và thể hiện tự tin khi trả lời”, Khánh chia sẻ.

Kỹ năng Writing, theo Khánh là khó nhất. Bởi vậy ngoài việc luyện đề thật thường xuyên, theo em, việc có sự tư vấn của thầy cô hay bạn học là rất hữu ích. Khi viết, cần chú ý phân bố thời gian viết các phần sao cho hợp lý nhất, nên lập dàn ý trước để tránh bị lạc đề, tránh mắc các lỗi dùng từ hay ngữ pháp đáng tiếc…

Nam sinh cũng cho rằng, để học tốt Tiếng Anh không cách nào hơn là cố gắng tiếp xúc thật nhiều. 

“Ngay trong cuộc sống hằng ngày thôi, khi ta tiếp xúc với những video, những nội dung bằng Tiếng Anh, ta cảm nhận thấy chúng thú vị, gần gũi và từ đó thấy có niềm hứng thú lớn hơn, ham học hỏi hơn”.