- Trần Diệu Hằng đang là sinh viên năm nhất ngành Sư phạm Địa lý của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Trong vòng hơn 2 tháng, em và nhóm của mình đã kêu gọi và thu nhận được 2.500 cuốn sách để dành tặng học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trần Diệu Hằng - nữ sinh ngành Địa lý Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Ảnh: NVCC |
Dự án của Hằng có tên là The Book Circle – có nghĩa là Vòng tròn sách. Cô sinh viên sư phạm giải thích: “Sách sẽ được chuyển từ điểm trường này tới điểm trường kia theo vòng tròn”. Hằng cho biết khá bất ngờ khi nhận được số lượng sách vượt dự kiến mặc dù cách truyền thông cho dự án của em mới chủ yếu là kêu gọi trên Facebook và truyền miệng.
Chủ yếu số sách thu được là từ kênh mạng xã hội. Ngoài ra, nhóm của Hằng cũng lập tủ thu nhận sách ở các hiệu sách và kết hợp với các hoạt động về sách trên địa bàn thành phố.
Nhóm của Hằng hiện có 25 thành viên thường trực, chủ yếu các bạn là học sinh cấp 3 đang sinh sống ở TP. Thái Nguyên, trong đó Hằng là người sáng lập dự án. 25 thành viên của nhóm cũng được chia thành các bộ phận phụ trách nội dung, truyền thông, tài chính.
Hằng cho biết, hiện nhóm đang thực hiện truyền thông dự án tới các trường cấp 2, cấp 3 và kỳ vọng số lượng sách thu về sẽ còn bất ngờ hơn nữa.
“Những người tặng sách cũng rất có tâm và bọn em có quy trình phân loại cũng rất nghiêm ngặt. Sách nhận được đều còn khá mới và chất lượng. Bọn em nhận được cả những cuốn sách giáo khoa nhưng theo dự kiến sẽ gửi tặng các em chủ yếu là sách truyện thiếu nhi. Số sách giáo khoa có thể dùng để trao đổi trong các hội chợ đổi sách hoặc dùng để gây quỹ, tuy nhiên số này cũng không nhiều” – Hằng chia sẻ.
Tủ sách 2.500 cuốn đang chiếm diện tích của cả một căn phòng. Ảnh: NVCC |
Mới đây nhóm của Hằng đã bắt đầu gửi tặng sách tới 2 điểm trường, một là Trường Tiểu học xã Quang Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên và điểm thứ hai là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên. Trường Tiểu học xã Quang Sơn có điểm trường ở vùng sâu có tới 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong khi Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có cả người già, trẻ em và sách là một thứ xa xỉ mà họ khó có thể tiếp cận thường xuyên.
“Khi bọn em liên hệ với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, họ rất hồ hởi chào đón và mong muốn được nhận tủ sách này. Các thầy cô ở Trường Tiểu học xã Quang Sơn cũng rất muốn có tủ sách như một món quà tinh thần cho các em” – Hằng kể.
Nữ sinh viên này cũng cho biết, tủ sách được xây dựng theo mô hình quay vòng nên các đầu sách ở mỗi tủ sẽ thường xuyên được thay mới. “Thậm chí, nếu các em thích, lấy về đọc không trả lại cũng không sao. Cuốn sách đó sẽ được chia sẻ, chuyền tay tới nhiều người khác. Đó chính là mục đích của dự án”.
Sau khi chọn lọc, nhóm sẽ đặt khoảng 400-500 đầu sách ở mỗi tủ. Sau khoảng 1-3 tháng, 25% số sách sẽ được mang sang tủ khác để tráo đổi.
Ý tưởng về Book Circle được nảy ra sau chuyến dạy giáo dục giới tính cho trẻ em ở Bản Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NVCC |
Ý tưởng về Book Circle được cô sinh viên sư phạm nảy ra sau một chuyến đi dạy giáo dục giới tính cho trẻ em ở Bản Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trong chuyến đi 3 ngày này, Hằng có lưu lại một đêm ở chỗ một em nhỏ.
“Em thấy em ấy có một quyển truyện đọc đã nát lắm rồi. Em mới hỏi em ấy có muốn đọc thêm sách không thì em bé rất thích. Hình ảnh đó khiến em nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều em nhỏ thiếu sách để đọc. Và dự án này được thành hình”.
Hiện tại, 2.500 cuốn sách được Hằng ưu ái dành cả một căn phòng để lưu trữ. “Nó gần như chiếm trọn diện tích cả một căn phòng”.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình kêu gọi quyên góp sách, Hằng cho biết khó khăn lớn nhất có lẽ là ở nhân lực. Các thành viên chủ yếu là học sinh, cũng bận rộn nhiều việc học hành nên gặp khó khăn trong việc đi thu sách. Tuy vậy, cả nhóm vẫn cố gắng đi thu tất cả số sách mà mọi người tặng. “Có những ngày cao điểm bọn em nhận được 500 cuốn sách” – Hằng nói.
Để có kinh phí hoạt động và phát triển dự án, cô gái bé nhỏ này đang có ý tưởng bán đồ ăn cho học sinh ở các trường trong thành phố. “Sản phẩm sẽ là những món ăn mà các bạn học sinh thích như trà sữa, bánh tráng, kimpap… Bọn em không có thời gian tập trung nhau lại để tự làm nên sẽ đi đặt hàng, sau đó bán ở các trường. Dự kiến, bọn em sẽ làm hiệu suất cao trong khoảng 1 tháng, nếu quỹ chưa đủ như dự kiến sẽ tiếp tục làm thêm 1 tháng nữa. Hoạt động này trước mắt không thể kéo dài vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và việc học tập của các bạn”.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở bán đồ ăn, cô nàng năng động này còn muốn gửi thông điệp tới các bạn trẻ qua mỗi món đồ ăn được bán ra. “Ví dụ như bọn em sẽ in những câu nói hay trong sách hoặc những câu nói truyền cảm hứng lên túi để dành tặng các bạn”.
- Nguyễn Thảo