Chính sách hỗ trợ cần thiết

Năm 2023, để hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng nội địa, Quốc hội tiếp tục quyết định giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.

Đồng thời, trong Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Quốc hội đã cho phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

 Gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường cho rằng: Chính sách tài khóa 2021-2023 của Việt Nam qua một loạt Nghị quyết của Quốc hội và của Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn này được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý của Chính phủ đã góp phần giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô.

Thứ nhất, các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt nam giai đoạn 2021-2023 , trung bình vẫn ở mức 4 % trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao trong giai đoạn này. 

Thứ hai, gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (góp phần vào tăng trưởng năm 2022 ước đạt hơn 8 %). 

Thứ ba, nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025. Nợ của Chính phủ và nợ được được Chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, qua đó cho thấy dư địa tài khóa còn dồi dào để thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ. Nợ của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh giảm liên tục từ năm 2016 là thời điểm nợ ở mức 47,5%, đồng thời thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra.

Định hướng cho giai đoạn tới

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tính toán: Với kế hoạch đầu tư công được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 707 nghìn tỷ VND (30,1 tỷ USD), nếu giải ngân được 95% kế hoạch sẽ tăng 24,6% so với 2022 và công thêm khoảng 1,2-1,3 điểm % vào tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ này đòi hỏi mức độ chi cho đầu tư rất lớn trong nửa cuối năm 2023.  Nếu đạt được, thì tốc độ tăng 5,5% hoặc có thể lên đến 5,8% là có thể đạt được.

Ông Thành gợi ý kế hoạch ngân sách nhà nước trong đó có đầu tư công trung hạn cần được điều theo hướng tăng mạnh hơn đầu tư công. Quy mô tuyệt đối của đầu tư công năm 2023 là trên 700 nghìn tỷ (30,1 tỷ USD). Nền kinh tế Việt Nam cần 32-35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5-8% GDP) trong giai đoạn 2024-26. Quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Theo ông Vũ Sỹ Cường, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết. Đặc biệt cần rất chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng ”no dồn, đói góp” trong chi đầu tư.

"Gói hỗ trợ tài khóa cần tiếp tục tập trung vào chi đầu tư cơ sở hạ tầng (các dự án án có tính liên vùng, đã hoàn thành cơ bản các thủ tục đầu tư), chi cho đào tạo lại lao động (chuyển đổi nghề nghiệp), chi cho xây dựng các khu nhà ở xã hội, các dự án cải tạo chung cư cũ...", ông Cường đề xuất.

Ngoài ra, cần xem xét điều chỉnh các gói hỗ trợ không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nguyên tắc chung của việc thực hiện chính sách tài khóa nên là đơn giản về quy trình, dễ xác định đối tượng hưởng lợi và không tạo ra cơ hội cho tham nhũng chính sách. 

"Năm 2024-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được", ông Vũ Sỹ Cường lưu ý.

Lệ Yên và nhóm PV, BTV