Nhiều giải pháp giúp báo chí vượt khó
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2024, báo in, báo điện tử có doanh thu ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm khoảng 5,6%. Phát thanh, truyền hình đạt doanh thu 9.140 tỷ đồng, trong khi năm 2023 doanh thu là 11.939 tỷ đồng.
Nguồn thu của các cơ quan báo chí từ quảng cáo, phát hành tiếp tục sụt giảm mạnh. Lượng phát hành của báo, tạp chí in cũng giảm mạnh do bạn đọc chuyển sang đọc tin tức trực tuyến miễn phí hoặc qua mạng xã hội.
Cụ thể, 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 1 tỷ đô la Mỹ), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước như 24h, VnExpress/Eclick, Dân trí, VCCorp/Admicro, Adtima… Thêm vào đó, các trang tin, trang mạng xã hội cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến quảng cáo dành cho các cơ quan báo chí ngày càng bị thu hẹp.
Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ ngành đưa ra những giải pháp để báo chí vượt qua khó khăn, thách thức. Cụ thể, tháng 3/2023, Thủ tướng ra Chỉ thị số 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó xác định chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, hàng năm “đặt hàng” báo chí, đây là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện kinh tế báo chí.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí, ngày 14/6/2024, Bộ TT&TT ban hành Thông tư số 05 hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Trong đó có hướng dẫn rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật khi có thay đổi về quy trình công nghệ, hoặc đưa vào áp dụng kỹ thuật sản xuất mới.
Ðây là đổi mới cách làm trong công tác quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực báo chí, gắn với thị trường, gắn với thực tế hoạt động của các đơn vị báo chí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đơn vị báo chí triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường điều kiện nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 12/11/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, báo chí sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải dùng công nghệ để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia về báo chí. Bộ TT&TT cũng đã ban hành một chương trình để thực hiện chiến lược này, trong có điểm quan trọng là đưa ra tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số. Bộ thành lập trung tâm hỗ trợ, ban hành cẩm nang, xây dựng chương trình tập huấn cho các Tổng biên tập trong vấn đề chuyển đổi số, để tạo chuyển biến trong vấn đề này.
Theo Cục Báo chí, trong năm 2024, có 28 cơ quan báo chí đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí ở mức xuất sắc (tăng 6,27% so với năm 2023), 65 đơn vị đạt mức độ tốt, 55 đơn vị đạt mức khá, 25 đơn vị trung bình và có 109 đơn vị ở mức yếu.
Với 28 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc, khối báo Trung ương có 10 đơn vị, khối báo địa phương có 8 đơn vị, khối đài phát thanh, truyền hình có 10 đơn vị. Hai khối tạp chí trung ương và địa phương, tạp chí khoa học không có đơn vị nào đạt xuất sắc.
Theo đánh giá của Cục Báo chí, nhận thức về tầm quan trọng chuyển đổi số báo chí của lãnh đạo các đơn vị đã được nâng cao so với năm 2023. Ngoài việc xây dựng chiến lược/kế hoạch/chương trình tổng thể/giai đoạn thì có gần một nửa cơ quan báo chí đã xây dựng kế hoạch/chương trình hành động hằng năm về chuyển đổi số báo chí của đơn vị (49,65%).
White List giúp báo chí "sống khỏe", nội dung "sạch"
Từ giữa năm 2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) triển khai sáng kiến White List - Danh sách các trang/kênh khuyến khích các nhãn hàng, doanh nghiệp lựa chọn để quảng cáo sản phẩm.
Theo đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử lựa chọn những trang/kênh có đăng ký, có xác thực, đảm bảo cam kết sẽ làm những nội dung không vi phạm, để giới thiệu cho các nhãn hàng, đại lý quảng cáo. Khi White List được triển khai rộng rãi, những người làm nội dung “sạch”, nội dung tốt, đàng hoàng, sẽ nhận được dòng tiền quảng cáo tốt; những nội dung “bẩn” sẽ bị cắt “nguồn dinh dưỡng”.
White List được triển khai từ giữa năm 2023 đến nay, bước đầu cho thấy có sự chuyển biến trong thực tiễn. Hiện White List đã có hàng nghìn kênh, trong đó, gần như tất cả các cơ quan báo chí đều đã đăng ký tham gia.
Qua khoảng 1 năm triển khai White List, các nhà sáng tạo nội dung và các cơ quan báo chí đều thấy có sự dịch chuyển dòng tiền quảng cáo về những nội dung “sạch”. Các tài khoản/trang/kênh làm nội dung “sạch” có nhiều quảng cáo hơn trước.
Tại một hội nghị giao ban của Bộ TT&TT mới đây, ông Nguyễn Kim Trung, Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Hà Nội cùng đại diện nhiều báo, đài đánh giá rất cao sáng kiến White List. Bởi vì trước kia, họ không cạnh tranh lại được với những nội dung xấu, độc, “bẩn” trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng bây giờ, những nội dung tốt đã có thêm doanh thu.