Triển khai phát triển hệ thống thông tin và truyền thông khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Thông tin và Truyền thông đang góp phần thúc đẩy quyền con người qua nỗ lực làm giàu thông tin cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 đã được phê duyệt. Mục tiêu chung của Chương trình là cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, bao gồm dịch vụ viễn thông bắt buộc cho xã hội và dịch vụ viễn thông phổ cập ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Chương trình phấn đấu đạt 100% thôn, bản, làng, ấp, phum, sóc, buôn, bon, đảo có hộ dân sinh sống (thôn) đã có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường được cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.
Thông tin và truyền thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu kinh tế - xã hội. Phát triển Thông tin và truyền thông là tiền đề quan trọng để nâng cao dân trí, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Theo quy định của tỉnh, xã chuẩn nông thôn mới về tiêu chí Thông tin và truyền thông là xã có ít nhất 1 điểm phục vụ bưu chính; có cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn; có ứng dụng thông tin trong công tác quản lý điều hành.
Bởi lẽ truyền thông sẽ góp phần thay đổi nhận thức của con người, dẫn đến sự tự nguyện thay đổi hành vi, một trong những yếu tố duy trì kết quả phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, khoảng cách về thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền, giữa các dân tộc đã từng bước được thu hẹp với nhận thức thông tin, tuyên truyền phục vụ đồng bào DTTS và miền núi là một hợp phần không thể thiếu trong chiến lược giảm nghèo về thông tin và giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.
Chính sách viễn thông công ích tiếp sức các chương trình mục tiêu quốc gia
Trong xu thế hội nhập, đổi mới thông tin phục vụ đồng bào DTTS và miền núi là yêu cầu tất yếu của các cơ quan truyền thông đại chúng. Hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhiều vùng từng bước được xây dựng hiện đại hóa đồng bộ, công nghệ hiện đại, đáp ứng mọi loại hình dịch vụ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy có nhiều nỗ lực, nhưng với điều kiện về kinh tế - xã hội hiện nay và các đặc thù của vùng DTTS, hạ tầng cơ sở thông tin của nhiều vùng dân tộc thiểu số vẫn còn chưa được như mong muốn.
Một trong những giải pháp được đưa ra nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền là Chương trình viễn thông công ích (VTCT).
Có thể nói, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã và đang tiếp sức cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xóa đói giảm nghèo, Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua Quỹ đã phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền hình tại 15 tỉnh, thành phố, cũng như triển khai các dự án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho người dân vùng sâu, vùng xa, dự án hỗ trợ ngư dân đánh cá trên biển.
Kế thừa những ưu điểm ở giai đoạn trước, Chương trình VTCI giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều điểm mới, khắc phục được những khoảng trống của các chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn trước. Giai đoạn này, chương trình tập trung phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng viễn thông băng rộng đa dịch vụ trong đó ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo với công nghệ phù hợp nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng cung cấp dịch vụ viễn thông lâu dài, giúp phát triển thuê bao và dịch vụ, nhất là trong điều kiện thị trường cạnh tranh.
Nếu trong chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn trước, mọi người dân sinh sống trong vùng công ích đều được thụ hưởng lợi ích của chương trình mang lại, không phân biệt mức thu nhập dẫn đến tình trạng thiếu bình đẳng giữa người nghèo không thuộc vùng công ích và người giàu nhưng lại thuộc vùng công ích, thì Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2016 - 2020 đã được điều chỉnh, xem xét từng nhóm đối tượng hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, trong đó chú trọng tới đối tượngthụ hưởng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách xã hội… nhằm đảm bảo mục tiêu “bảo đảm quyền truy nhập bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân, đặc biệt là cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”,
Theo đó, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sử dụng máy thu hình công nghệ tương tự chưa tích hợp tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2, chưa có đầu thu truyền hình số DVB-T2, chưa sử dụng bất kỳ một trong các phương thức truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet (IPTV) sẽ được nhận hỗ trợ 1 lần gồm 1 đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc vệ tinh kèmtheo ăng-ten thu, được lắp đặt hoàn chỉnh và bảo hành ít nhất 1 năm tính từngày hộ gia đình nhận bàn giao đầu thu truyền hình số. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ cả dịch vụ điện thoại cố định và thông tin di động mặt đất (hỗ trợ cước phí 20.000 đồng/tháng/thuê bao).
Với quyết tâm chính trị trong triển khai thực hiện, chương trình Viễn thông công ích sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt các hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng dịch vụ thông tin liên lạc với chi phí hợp lý và tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, qua đó rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng và cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Nguyễn Thảo, Kiều Oanh, Ánh Tuyết, Giao Linh, Thu Hằng