LTS: Ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về vai trò của chip trong nền kinh tế mỗi quốc gia cũng như trên toàn cầu. Đặc biệt là việc các kỹ sư của FPT Software đã thiết kế và đặt ra cấu trúc dòng chip trong lĩnh vực IoT chuyên cho lĩnh vực thiết bị Y tế. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và đã đăng trên trang Facebook cá nhân. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Thế giới đang khủng hoảng chip (bán dẫn), từ hơn nửa năm nay rất nhiều model ô tô phải đặt hàng 10 tháng mới được nhận xe, rất nhiều nhà máy sản xuất ô tô trên thế giới đã phải tạm dừng sản xuất vì thiếu chip. Mỹ coi việc sản xuất chip là an ninh quốc gia, chính vì vậy Mỹ đã gấp rút ra Đạo luật Khoa học và CHIPS, trong đó chính phủ Mỹ đầu tư 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học, trong đó 52 tỷ USD sẽ dành riêng cho ngành sản xuất chip.
Tại sao chip lại quan trọng đến vậy? Bởi ngày nay hầu hết các thiết bị trong tất cả các lĩnh vực kinh tế cũng như trong sinh hoạt hàng ngày đều cần đến chip, chip được ví như bộ não trung tâm của máy tính, thiết bị mạng, điện thoại di động, máy tính bảng, vũ khí - khí tài quân sự, máy bay, ô tô, tàu cao tốc, xe máy, máy móc và thiết bị y tế, dây chuyền sản xuất tự động, robot, các thiết bị gia đình: máy giặt, tivi, tủ lạnh, lò vi sóng, điều hoà không khí, bếp điện, máy lọc không khí, robot lau nhà….
Trong lĩnh vực công nghệ thì công nghệ chip là công nghệ cao nhất, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là các cường quốc trong lĩnh vực sản xuất chip, bất cứ quốc gia nào cũng đều muốn tham gia, đặt chân vào chuỗi sản xuất chip toàn cầu.
Và hôm nay FPT chính thức đặt một chân vào chuỗi sản xuất chip toàn cầu, bằng việc thành lập công ty chuyên về bán dẫn: công ty FPT Semiconductor (trực thuộc công ty FPT Software). Trước khi thành lập FPT Semiconductor, các kỹ sư của FPT Software đã trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc dòng chip trong lĩnh vực IoT chuyên cho lĩnh vực thiết bị Y tế. Chip FPT được thiết kế và đặt ra cấu trúc ở Việt Nam sau đó được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Hiện tại FPT Semiconductor đã có khách hàng và đối tác chiến lược tại Australia và Trung Quốc. Các thị trường tiếp theo của FPT sẽ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu. Dự kiến trong 2 năm tới FPT sẽ cung ứng 25 triệu chip ra thị trường toàn cầu. Tiếp theo dòng chip IoT Y tế, FPT sẽ tung thêm 7 dòng chip trong các lĩnh vực khác trong năm 2023.
Ngoài thị trường quốc tế, bắt đầu từ năm 2023, FPT Semiconductor sẽ tổ chức triển khai, cung cấp chip FPT "Make in Vietnam" đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam.
Theo anh Trần Đăng Hoà - Phó TGĐ FPT Software, việc thành lập công ty FPT Semiconductor để sản xuất chip của FPT chính là việc khẳng định trí tuệ của người Việt và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất chip bán dẫn của người Việt, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng chip toàn cầu, một lĩnh vực công nghệ cao nhất, cốt lõi nhất của mọi thiết bị công nghệ xung quanh con người.
Đỗ Cao Bảo (Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT)