- Một xu hướng tiếp thị mới đang có dấu hiệu nổi sóng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và hứa hẹn mang đến hiệu quả cao.
Những DN tiên phong
Cuối tháng 3 vừa qua, một doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đã tung ra một chương trình khá đặc biệt: mời khách hàng tham quan trang trại để tận mắt chứng kiến nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm của mình.
Chương trinh thu hút sự quan tâm của rất nhiều người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ bởi đó như là những chuyến đi thăm quan của họ cùng con cái đến với thiên nhiên. Chương trình dường như đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng, làm trẻ em cười, người lớn thì vui, còn giới marketing giật mình.
Thông qua lời mời, DN đã truyền đạt được thông điệp mong muốn gia đình các bạn nhỏ có khoảng thời gian khám phá thiên nhiên thật bổ ích và biết được sản phẩm mà các em nhỏ dùng hàng ngày đến từ đâu.
Trong tuần vừa qua, một trường THCS tư thục cũng đã có lời mời các em học sinh giỏi ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đến học thử một ngày với những trải nghiệm rất thú vị với phương pháp học tập tiên tiến trên thế giới, dưới hình thức học tập chủ động, tương tác giao tiếp giữa thầy và trò.
Nhiều em học sinh sau khi trải nghiệm thực tế các lớp học với giáo viên nước ngoài theo hai hệ Bán quốc tế - Edexcel school và hệ Song ngữ Quốc tế GW đều tỏ rất hào hứng và nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học ở trường. Không ít gia đình đã quyết định sẽ cho con em theo học cho dù mức học phí khá cao so với mặt bằng chung trên thị trường.
Cơ sở vật chất hiện đại và môi trường giáo dục chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế cùng với các chương trình đào tạo quốc tế, công nghệ giáo dục tiên tiến, đội ngũ giáo viên trong và ngoài nước có thể là các yếu tố đã tác động trực tiếp tới quyết định của các em nhỏ.
Trước đó, một trung tâm văn hóa cũng đã tổ chức một buổi hội thảo giúp các bậc phụ huynh hiểu biết thêm về tâm lý trẻ em và các cách thức phát huy thế mạnh của trẻ em. Trong lúc cha mẹ trao đổi cùng các chuyên gia tâm lý thì các em học sinh được trải nghiệm một lớp học do chính trung tâm tổ chức. Ngay sau buổi hội thảo, có đến phân nửa các bậc phụ huynh đã nộp tiền đăng ký cho con em tham gia một chương trình đào tạo của trung tâm kéo dài trong vòng 3 ngày.
Hiện tượng các DN tiếp thị sản phẩm và dịch vụ theo phương thức trải nghiệm gần đây rất phổ biến. Đây là một hình thức tiếp thị khá mới mẻ, giúp các DN có thể tiếp cận trực tiếp, nắm bắt và từ đó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng ngày nay.
Mô tả chân thực, kích thích mua hàng
Chuyên gia phát triển từ IDG cho rằng, trong thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, yếu tố quyết định cho sự thành bại trong kinh doanh chính là nắm bắt và thỏa mãn được kỳ vọng ngày càng gia tăng của khách hàng.
Theo đó, để có thể làm được điều đó thì các tổ chức cơ quan cần phải tận dụng được tối đa nguồn lực cũng như ngày càng nâng cao hiệu quả trong tương tác với khách hàng. “Nền tảng trải nghiệm khách hàng” (CXP) được xem như một giải pháp tối ưu để xây dựng lòng tin và đem sự hài lòng đến với khách hàng.
Ông Andy Cranshaw, Giám đốc Tư vấn kinh doanh cấp cao, Genesys Đông Nam Á cho rằng, quản lý tốt trải nghiệm khách hàng qua các kênh tương tác sẽ mang đến thành công trong hành trình cung cấp trải nghiệm cho khách hàng.
Theo các chuyên gia trên Enterpreneur, các sự kiện marketing trải nghiệm kết hợp được tính giải trí với cơ hội thử nghiệm sản phẩm đang trở thành một xu hướng phổ biến. Hình thức này tạo ra sự hưng phấn và kích thích hành động mua của khách hàng ngay sau khi được thử nghiệm sản phẩm.
Cách tiếp thị này tạo điều kiện để khách hàng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm và đem đến cho họ những trải nghiệm đáng nhớ. Việc thử nghiệm và tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm có thể tác động đến quyết định mua của khách hàng hơn nhiều lần so với việc quảng cáo sản phẩm trên báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông khác. Thậm chí, hiệu quả hơn cả qua lời giới thiệu của bạn bè và đồng nghiệp.
Các hình thức tiếp thị trải nghiệm cũng khá đa dạng, có thể ở tại DN, ở các trung tâm thương mại lớn, hội chợ, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng hoặc ngay tại nhà của người tiêu dùng tiềm năng. Marketing trải nghiệm cũng có tác dụng rất lớn nếu sự kiện được tổ chức có hiệu quả và nhằm đúng đối tượng.
Không chỉ giúp sản phẩm dịch của của DN trở nên nổi bật, một vai trò rất lớn của tiếp thị trải nghiệm là giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới ra thị trường, không phải chờ có cầu rồi mới có cung, mà là có cung rồi mới đi tìm cầu, tạo ra nhu cầu.
Có thể thấy, marketing trải nghiệm là sự pha trộn giữa marketing sự kiện và việc phát các mẫu sản phẩm cho khách hàng hay là sự hoà hợp giữa phản ứng của khách hàng với sự quản lí dựa trên sự thật. Marketing trải nghiệm điều chỉnh các mối quan hệ khách hàng phức tạp bằng cách sử dụng các dữ liệu để lập kế hoạch và thực hiện các sự kiện. Nó quảng bá nhãn hiệu theo cách thức ý nghĩa và thích đáng hơn marketing sự kiện.
Khác với phương pháp truyền thống, marketing trải nghiệm lại bá sản phẩm trong một khoảnh khắc hoàn toàn đặc biệt đối với cuộc đời của khách hàng. Nó sẽ tăng sự quan tâm của khách hàng tiềm năng với các dịch vụ ở một mức độ cảm xúc sâu sắc hơn. Marketing trải nghiệm thể hiện những cơ hội thật sự mới để kích thích hoạt động các chiến lược nhãn hiệu.
Dựa trên các dữ liệu thu được từ marketing trải nghiệm, DN sẽ có thể quyết định xem ai là khách hàng tiềm năng nhất cho những sản phẩm dịch vụ mới của họ. Nhờ các hệ thống và phần mềm giám sát đầy đủ toàn bộ hành trình tương tác và phân tích, xem xét các khách hàng tiềm năng có ấn tượng sâu sắc như thế nào về sản phẩm dịch vụ mới. Từ đó, DN có thể lập các kế hoạch mời những khách hàng tiềm năng. Sau đó, DN có thể lập kế hoạch tổ chức sự kiện để giới thiệu ở thị trường, ở nhóm đối tượng tiềm năng đã được xác định. DN có thể tối ưu hóa sự kiện, tối ưu hóa khách hàng.
H. Tú