Xe công của một số đơn vị ở TP HCM sẽ chuyển Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong quản lý và cho thuê lại.

Đây là mô hình quản lý, sử dụng xe công mới đã được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm. Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết đề án cho thuê xe công hiện nay đã hoàn chỉnh, UBND TP đang xem xét để quyết định triển khai.

Giá thuê tùy theo xe

Theo đề án phương án thí điểm đề án kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền TP mà Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong (thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP) xây dựng, việc thí điểm sẽ được thực hiện tại 5 cơ quan, đơn vị: Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, UBND quận Bình Thạnh, UBND huyện Bình Chánh và Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Phạm vi thực hiện thí điểm là tiếp nhận, quản lý và triển khai hoạt động xe phục vụ công tác chung; hoạt động bảo vệ, tạp vụ. Số lượng ô tô phục vụ công tác chung là 26 xe.

Về dịch vụ cho thuê xe: đối với số lượng ô tô được bố trí theo Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng là 2 xe/đơn vị; các cơ quan, đơn vị thực hiện ký hợp đồng thuê xe theo tháng với công ty. Ngoài số lượng xe trên, khi đơn vị thuê có nhu cầu thuê thêm hoặc đột xuất, ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết, công ty sẽ bố trí thêm 10 ô tô từ 4-16 chỗ đời mới từ 2015 trở lên phục vụ 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu đi lại của các đơn vị, đơn giá tính theo km hoặc theo chuyến.

{keywords}
Việc áp dụng mô hình mới - cho thuê xe công - trước mắt TP HCM sẽ thí điểm ở 5 đơn vị

Việc đặt xe sẽ thông qua số điện thoại tổng đài hoặc qua ứng dụng TNXP CAR được cài đặt trên điện thoại, máy tính của người dùng. Bên cho thuê sẽ bố trí thường trực ô tô thuê theo tháng tại trụ sở làm việc của bên thuê để kịp thời điều động phục vụ nhu cầu đi lại của bên thuê. Đơn giá thuê theo tháng với ô tô 4-5 chỗ là 20 triệu đồng, 7-8 chỗ là 24 triệu đồng, 12 chỗ 25 triệu đồng, 15-16 chỗ là 28 triệu đồng. Định mức mỗi xe là 2.000 km/tháng. Mỗi km vượt tính theo đơn giá km ứng với từng loại ô tô.

Cân đối thu nhập

Theo tính toán của Lực lượng Thanh niên xung phong TP, trong thời gian thực hiện thí điểm đề án, thu nhập của người lao động được hưởng theo mức lương khoán phụ thuộc đơn giá cho thuê được Sở Tài chính phê duyệt. Thu nhập hằng tháng (lương, tiền ăn giữa ca, phúc lợi) dự kiến của nhân viên lái xe là 8,068 triệu đồng.

Qua khảo sát 5 đơn vị, bình quân thu nhập của nhân viên lái xe ở mỗi cơ quan, đơn vị có sự chênh lệch khá cao. Có đơn vị hiện nay thu nhập bình quân của lái xe là 12,9 triệu đồng/người/tháng. Các đơn vị thí điểm sẽ chuyển giao số xe công cùng lực lượng tài xế, tạp vụ và bảo vệ của đơn vị mình cho Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong quản lý. Sau đó, các sở - ngành, quận - huyện sẽ thuê lại xe lẫn tài xế để sử dụng.

{keywords}
Với xe 4-5 chỗ ngồi, mức giá thuê sẽ là 20 triệu đồng/tháng

Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết đề án cho thuê xe công hiện nay đã hoàn chỉnh. Theo ông, Văn phòng UBND TP cùng Sở Tài chính, Lực lượng Thanh niên xung phong TP và một số cơ quan nữa tham gia đề án này. "Dưới góc độ văn phòng, chúng tôi cũng đã chuẩn bị rồi: số xe, tài xế, bảo vệ, phục vụ… để bàn giao cho Lực lượng Thanh niên xung phong tiếp nhận và tổ chức thực hiện theo đề án" - ông Hoan thông tin.

Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận khi thực hiện đề án này, tiết kiệm thấy rõ nhưng quan điểm của TP là chăm lo đầy đủ và giữ được mức thu nhập hiện nay của những người đang làm cho Văn phòng UBND TP.

Ông Hoan nói: "Không phải vì chuyện chuyển giao qua đơn vị mới mà điều kiện, thu nhập và làm việc của anh em gặp khó khăn hơn. Làm gì thì làm cũng không để ảnh hưởng đến thu nhập, tâm lý, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức đã từng công tác ở Văn phòng UBND TP trong nhiều năm". Thông tin thêm, ông Hoan cho hay tinh thần là chuẩn bị xong, còn cách làm, hiệu quả ra sao chờ thời gian thực hiện sẽ biết.

Cam kết tiết kiệm

Lực lượng Thanh niên xung phong TP đánh giá việc thực hiện cho thuê xe công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với hiện tại. Mỗi tháng tiết kiệm cho ngân sách hơn 100 triệu đồng, tương đương hơn 1,2 tỉ đồng/năm cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng. Ngoài ra, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách vì giảm được khoản chi mua sắm xe mới; kiểm soát được kinh phí, bảo đảm chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Số lượng xe công dôi dư khi thực hiện đề án sẽ được thu hồi, tiến hành thanh lý nộp tiền vào ngân sách.

Hiện mỗi cơ quan đang quản lý 5-8 ô tô với chi phí khoảng 15 triệu đồng/xe/tháng. Tuy nhiên, khi giao về cho Thanh niên xung phong, định mức tiêu chuẩn của mỗi đơn vị chỉ còn 2 ô tô với chi phí 20 triệu đồng/xe/tháng.

Dẫn chứng trường hợp tại Văn phòng UBND TP, hiện Văn phòng UBND có 7 xe công phục vụ công tác chung và 8 nhân viên lái xe. Khi bàn giao cho Thanh niên xung phong còn 2 ô tô và 2 nhân viên lái xe. Hiện nay, mỗi tháng Văn phòng UBND TP phải chi cho hoạt động xe là hơn 173 triệu đồng với số km thực hiện là 5.700 km/tháng. Nếu thực hiện thí điểm, dự kiến chi phí giảm còn khoảng 112 triệu đồng/tháng nhưng vẫn bảo đảm đủ số km thực tế sử dụng. 

Một số đơn vị được bố trí hơn định mức

Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM hiện có gần 700 ô tô công thuộc các khối cơ quan hành chính TP, sở - ngành, quận - huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Đa phần các xe công hiện nay đã cũ, hư hỏng, có trước năm 2007, trong khi tiền bảo trì, bảo dưỡng, duy tu sửa chữa mỗi năm rất lớn.

Đối chiếu với Quyết định 32/2015 của Chính phủ, hiện số ô tô công của TP dư hơn 350 xe. Mặt khác, việc bố trí xe công ở một số đơn vị còn chưa phù hợp. Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công theo Quyết định 32/2015 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh như văn phòng tỉnh ủy, văn phòng HĐND và UBND, các sở - ban - ngành và các tổ chức tương đương; quận ủy, huyện ủy, thành ủy, thị ủy; HĐND và UBND cấp huyện được trang bị tối đa 2 ô tô/đơn vị.Tuy nhiên, một số đơn vị được bố trí hơn định mức.

Do đó, qua việc thí điểm, TP.HCM sẽ rà soát lại số ô tô công phục vụ chức danh; ô tô công phục vụ công tác chung và ô tô công chuyên dùng. Sau khi tiếp nhận toàn bộ số xe công này, Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong sẽ phân bổ hợp lý về các cơ quan, đơn vị thuê xe.

Đến năm 2020, cả nước giảm một nửa xe công

Chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô dự kiến sẽ không còn mang tính chất tự nguyện mà trở thành bắt buộc đối với một số chức danh. Đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô để triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 - luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, do Bộ Tài chính soạn thảo trình Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng điều chỉnh định mức sử dụng ô tô theo định hướng phấn đấu đến năm 2020, giảm khoảng từ 30%-50% lượng ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc quản lý, sử dụng ô tô công được thực hiện theo hướng tập trung, giao cho một đơn vị quản lý để bố trí sử dụng đúng tiêu chuẩn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý, sử dụng ô tô trên cơ sở không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của các chức danh.

Dự kiến việc siết quản lý, sử dụng xe công, trong đó có hình thức khoán bắt buộc đối với một số chức danh, sẽ giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 3.400 tỉ đồng/năm. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 34.241 ô tô công. Kinh phí "nuôi" mỗi chiếc xe công trung bình lên đến 320 triệu đồng/năm/chiếc, tương đương khoảng 13.000 tỉ đồng/năm.

Bên cạnh việc tiên phong khoán ô tô công của Bộ Tài chính, hiện Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội... cũng đã thực hiện thí điểm.

(Theo NLĐ)