- Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho rằng việc thay đổi cơ chế cho vay theo thông tư 39 để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn là cơ chế có nhiều rủi ro nhất, kể cả sinh mạng chính trị đối với cán bộ NH.
Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng (NH) Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) Trịnh Ngọc Khánh nêu hàng loạt vướng mắc trong chính sách cho vay hỗ trợ, trong đó có gói vay 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Khánh cho biết, Agribank đang thực hiện giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, tổng dư nợ được cơ cấu lại trong thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định lên đến hàng hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ông Trịnh Ngọc Khánh |
Về thay đổi cơ chế cho vay theo thông tư 39 (về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng), Agribank mạnh dạn đưa ra cơ chế cho vay và hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn.
“Tôi cho đây là cơ chế có nhiều rủi ro nhất kể cả sinh mạng chính trị đối với cán bộ NH nhưng chúng tôi phải sẵn sàng chấp hành để cùng chia sẻ”, ông Khánh nhấn mạnh.
Sợ trách nhiệm hình sự
Ông Khánh cũng cho hay, Agribank tiếp tục triển khai các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Trong đó bao gồm 7 chương trình cho vay lãi suất ưu đãi từ 4-7%/năm, cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo nghị quyết 30 là 50 nghìn tỷ đồng.
Đây cũng là mở đầu của gói tín dụng 100 nghìn tỷ sau này với lãi suất thấp hơn 0,5-1%... “Vì những chương trình này, thu nhập của Agribank hàng năm giảm khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất ưu tiên”, ông Khánh thông tin.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐTV Agribank cũng nêu lên vướng mắc của gói 50 nghìn tỷ cho nông nghiệp hiện chỉ mới giải ngân chưa được 10 nghìn tỷ do vướng khâu pháp lý về tài sản thế chấp.
Cụ thể tài sản thế chấp hiện nay chủ yếu là đất nông nghiệp, trong khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao rất lớn, giá trị chính là nhà xưởng để sản xuất lại không được đưa vào tài sản thế chấp.
Ông Khánh đặt giả thiết nếu được mùa, các tài sản thế chấp rất có giá trị nhưng mất mùa không đáng bao nhiêu, kể cả tài sản đầu tư trên đất.
Ông nêu thực tế nhiều cán bộ NH lo ngại vì hiện bắt bớ nhiều quá nên anh em sợ trách nhiệm. Vì vậy, việc tháo gỡ pháp lý cũng là để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của cán bộ NH về sau.
Nghe vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói: “Chúng tôi ghi nhận để báo cáo Thủ tướng tháo gỡ về mặt pháp lý, giao Bộ Tư pháp, Bộ TN-MT để xử lý.
Còn thẩm định giá trị tài sản, tính toán vốn thế nào là trách nhiệm của NHNN và các NHTM. Còn đặt vấn đề trách nhiệm khi mất mùa thì sao, chuyện đó chúng tôi làm sao trả lời được”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Không hình sự hóa mới dám cho vay
Chủ tịch HĐTV Agribank tiếp tục thuyết phục: “Thực tế là như thế, các anh xuống chỗ chúng tôi thì sẽ thấy. Chúng tôi đề nghị về mặt pháp lý là một mặt để hoàn thiện thủ tục công chứng, cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất.
Thứ 2 là đánh giá trách nhiệm của anh em chúng tôi với cơ quan tư pháp khi cho vay nông nghiệp cần xem xét khách quan, không hình sự hóa vấn đề này thì anh em mới dám cho vay”.
Theo ông Khánh, 2 điều ấy là để củng cố tinh thần cho cán bộ NH yên tâm làm việc.
“Tôi có gần 20 năm trong ngành tư pháp nhưng không phải dễ thuyết phục anh em để cho vay với những rủi ro như thế. Người bên ngoài nhìn vào thì dễ nhưng bên trong không phải dễ”, ông Khánh nói.
Tổng Giám đốc, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển VN - BIDV Phan Đức Tú cũng kêu, thủ tục thế chấp khó hiện nay là tài sản trên đất.
“Đất thuê hàng năm theo quy định pháp luật không được thế chấp. Còn tài sản trên đất thì phải có ai đó chứng nhận cho NH, rằng DN sở hữu tài sản trên đất này và được phép thế chấp, thì NH sẽ mạnh dạn hơn trong cho vay.
Đồng thời xác định giá trị ở thời điểm thế chấp. Khi xảy ra rủi ro xác định được nguyên nhân, trách nhiệm, như vậy tháo gỡ cả người cho vay, đi vay trong quá trình thực hiện”, ông Tú phân tích.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, gói tín dụng 100 nghìn tỷ là chủ trương rất đúng của Chính phủ nhưng phải tính toán rất kỹ và không làm theo phong trào.
Ông cũng nêu có một số vướng mắc khiến các NHTM cam kết cho vay khoảng 120 nghìn tỷ nhưng giải ngân được khoảng 33 nghìn tỷ.
Nguyên nhân là có vấn đề rất khó khăn về thủ tục thế chấp tài sản. Thứ hai là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng mới nên các NHTM phải tính toán hiệu quả trong khi đó thiếu các công cụ phòng ngừa, chính sách bảo hộ nông nghiệp. Thứ ba là chưa có kế hoạch cụ thể về sản phẩm, thị trường tiêu thụ, xác định các tiêu chí sản xuất nông nghiệp sạch.
Hiện chỉ có 26 DN được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao. Còn lại nhiều DN khó khăn trong xử lý thế chấp tài sản cho vay.
Thủ tướng yêu cầu sớm có chủ trương huy động đô la trong dân
Thủ tướng nhắc lại 3 lần là NHNN sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, làm thế nào huy động được nguồn lực đô la nằm trong dân.
Bộ trưởng và Thống đốc thống nhất về gói 100.000 tỷ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thống đốc Lê Minh Hưng nêu hướng giải quyết các vướng mắc trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Công an: Tiềm lực tiền trong dân rất nhiều
Bộ trưởng Tô Lâm nêu lo ngại diễn biến phức tạp về tội phạm liên quan thực trạng tiền tồn đọng trong dân lớn, điển hình là cá độ bóng đá lên đến hàng nghìn tỷ đồng, kinh doanh đa cấp...
Thủ tướng: Đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước huy động gói tín dụng hỗ trợ sản xuất để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Thu Hằng