Ông Lê Quốc Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT sẽ khởi công 12 gói thầu của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 dự kiến vào ngày 1/1/2023. Đến nay, các chủ đầu tư của 12 dự án thành phần đã cơ bản hoàn thành việc đánh giá hồ sơ đề xuất của 12 gói thầu được lựa chọn khởi công. 

Đã có nhiều doanh nghiệp xây lắp giao thông lớn nộp hồ sơ tham gia 12 gói thầu đầu tiên như: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Vinaconex, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty Xuân Trường, Công ty Trung Nam…

Một lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 - đại diện chủ đầu tư dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, nhà thầu đã nộp hồ sơ đề xuất và đang trong quá trình thương thảo. Nếu thương thảo thành công sẽ tiến tới việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và tổ chức ký hợp đồng.

12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 dự kiến khởi công ngày 1/1/2023. (Ảnh: minh hoạ)

Bộ GTVT xác định, công tác chỉ định thầu là một nội dung quan trọng cần được quản lý chặt chẽ để đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án. Do vậy, đã yêu cầu các Ban quản lý dự án (QLDA) tổ chức lựa chọn nhà thầu cao tốc đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về đấu thầu cũng như các quy định khác có liên quan nhằm lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, uy tín.

Ông Lê Quốc Tiến nói rõ, quá trình thực hiện chỉ định thầu đảm bảo công khai, minh bạch, nghiêm túc, tuân thủ pháp luật; kiên quyết phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định.

Các nhà thầu được nhận hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu xây lắp phải là những nhà thầu đáp ứng các quy định về điều kiện năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông và có tình hình tài chính lành mạnh; đảm bảo không để nhà thầu yếu kém tham gia dự án.

Giám đốc các Ban QLDA phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức thực hiện dự án, từ việc lựa chọn nhà thầu đến quản lý về chi phí, chất lượng, tiến độ… 

Các điều khoản hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ nội dung, đặc biệt đối với một số nội dung như: Về điều chỉnh giá hợp đồng; thời hạn thi công; các giải pháp đảm bảo nguồn tài chính phục vụ thi công; các chế tài xử lý vi phạm hợp đồng (trường hợp áp dụng, trình tự, thủ tục giải quyết)…

Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm quy định hợp đồng về chất lượng, tiến độ trong quá trình thực hiện. Các nhà thầu vi phạm phải chấm dứt hợp đồng, các chủ đầu tư sẽ thông báo rộng rãi làm cơ sở xem xét loại bỏ khi nhà thầu tham gia các gói thầu, dự án sau.

Đảm bảo mặt bằng và vật liệu

Về công tác giải phóng mặt bằng, riêng với 12 gói thầu sắp khởi công, đến nay đã có 9/12 gói thầu các địa phương đã cơ bản bàn giao được 70% mặt bằng đáp ứng tiến độ yêu cầu. Riêng 3/12 gói thầu thuộc tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, các địa phương đang quyết liệt tổ chức triển khai, dự kiến đến 31/12/2022 có thể bàn giao trên 60% diện tích để khởi công dự án.

Với 13 gói thầu dự kiến khởi công trong tháng 1/2023, có 7 gói thầu đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng; 4 gói thầu còn lại các địa phương đã bàn giao được từ 42% đến 61% diện tích mặt bằng. 

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đến nay các chủ đầu tư đã làm việc và thống nhất với các địa phương về các mỏ đất đắp sử dụng cho các dự án, bảo đảm đầy đủ nguồn cung cấp, đáp ứng yêu cầu triển khai thi công.

Riêng vật liệu đắp nền đường tại khu vực ĐBSCL, đặc thù sử dụng cát để đắp. Theo khảo sát, hiện nay trữ lượng các mỏ đang khai thác và các mỏ đã quy hoạch đều đáp ứng về chất lượng và trữ lượng để cung cấp cho dự án. 

Đại diện các ban quản lý dự án cũng cho biết, đối với các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, ngày từ khâu thiết kế kỹ thuật tư vấn đã xác định tương đối chính xác vị trí mỏ vật liệu (cả mỏ thương mại, và mỏ giao cho nhà thầu), đây là điều kiện thuận lợi ban đầu để đảm bảo, chủ động cung cấp cho dự án.