- Tôi từng kết hôn với một người Việt Nam quốc tịch Mỹ. Chúng tôi đã đăng ký kết hôn và có một con chung. Cách đây 3 năm, khi tôi đang mang bầu thì anh ta ngoại tình. Vì vậy tôi đã đơn phương ly hôn, anh ta trở về Mỹ.
Tôi không yêu cầu anh ta cấp dưỡng vì anh ta trình bày hoàn cảnh khó khăn. Tòa án cũng tôn trọng quyết định của tôi. Kể từ sau khi ly hôn anh ta không làm tròn trách nhiệm của người cha, không hỏi thăm con được một câu. Nhưng nay anh ta về Việt Nam đòi gặp con, sắp tới còn kết hôn với một người phụ nữ khác. Vậy giờ tôi muốn yêu cầu anh ta phải cấp dưỡng cho con có được không? Tôi phải làm thế nào? Con trai tôi có hai quốc tịch Việt Nam và Mỹ.
Anh ta không chịu chu cấp cho con nhưng lại cưới người phụ nữ khác (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Nghĩa vụ cấp dưỡng.
Khoản 2 điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ của cha mẹ không trực tiếp nuôi con như sau: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.” Theo quy định này vì chồng bạn không trực tiếp nuôi con nên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bạn. Nếu chồng bạn không thực hiện việc cấp dưỡng cho con mà bạn đang trực tiếp nuôi, bạn có quyền yêu cầu Tòa án buộc người chồng cũ của bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Thứ hai: Thủ tục yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn:
Hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn bao gồm :
- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân;
- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;
- Quyết định/ Bản án ly hôn;
- Chứng cứ chứng minh thu nhập của người chồng;
- Bản sao có chứng thực giấy sinh của con.
Thẩm quyền Tòa án đối với các tranh chấp dân sự được quy định tại Điều 27; điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 sửa đổi năm 2011 có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo thủ tục sơ thẩm.
Theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì đương sự ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài, Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, được hiểu như sau:
1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:
a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc