Như VietNamNet đã đưa, ngày 20/12 tới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét kháng cáo của 21 bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa có thông báo về việc thay đổi thời gian xét xử phúc thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu". Theo đó, phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 25/12 tới.

Thẩm phán Mai Anh Tài, Chánh Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ ngồi ghế chủ tọa. Về phía đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa gồm có Kiểm sát viên cao cấp Vũ Văn Biểu và Lê Thị Thu Hà.

bi cao vu chuyen bay giai cuu 202.jpeg
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm xét xử vụ "chuyến bay giải cứu". Ảnh: CTV

Trong số những người có đơn kháng cáo, ông Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) kháng cáo toàn bộ bản án; ông Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty CP DL&DV ăn uống Nhật Minh) kháng cáo toàn bộ bản án và xin hưởng án treo.

Bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa), kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và không có tội “Đưa hối lộ”.

Các bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được xem xét lại số tiền đưa, nhận hối lộ, xin giảm tiền khắc phục vụ án.

Các bị cáo này bày tỏ mong muốn HĐXX cấp phúc thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm… để cân nhắc cho các bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về với gia đình và xã hội.

Trong số các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt có ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao). Bà Trần Phi Nga, vợ ông Tô Anh Dũng cũng kháng cáo một phần nội dung bản án sơ thẩm, xin giải tỏa kê biên và cấm dịch chuyển nhà dự án Tây Hồ Tây; xin giải tỏa kê biên, cấm dịch chuyển và trả lại sổ đỏ nhà ở Bắc An Khánh.

Nhắc đến các bị cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải kể đến bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ Công ty Blue Sky). Bà Hằng không chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt mà còn kháng cáo xin HĐXX cấp phúc thẩm buộc cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng trả lại số tiền hơn 18 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, từ tháng 1 đến 15/9/2022, bị cáo Hoàng Văn Hưng là Trưởng phòng Phòng Điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an, đồng thời là điều tra viên thụ lý chính vụ án. Ông Hưng đã nhiều lần trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội) về việc điều tra bà Hằng, và ông Lê Hồng Sơn (Tổng GĐ Công ty Blue Sky); hướng dẫn bà Hằng, thông qua bà Hằng hướng dẫn ông Sơn cách thức khai báo khi làm việc với Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội khai đã đưa cho ông Hưng hơn 1,2 triệu USD, nhưng CQĐT kết luận không có cơ sở xác định bị cáo Hưng nhận số tiền trên của Nguyễn Anh Tuấn ở giai đoạn này.

Giai đoạn sau ngày 16/9/2022, khi ông Hưng bị điều chuyển công tác, dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn trong việc điều tra vụ án, nhưng cựu điều tra viên này vẫn tiếp tục liên hệ, hứa hẹn với ông Tuấn, bà Hằng về việc giúp Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự.

Kết quả điều tra xác định, bị cáo Hưng 2 lần nhận từ ông Tuấn tổng số tiền 800.000 USD (tương đương hơn 18 tỷ đồng).

Đối chất tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội khai, đã nhiều lần đưa tổng số tiền hơn 2 triệu USD cho bị cáo Hưng. Hai lần đầu là do bà Hằng tự nguyện, những lần sau đều do ông Hưng yêu cầu.

Đối chất tại tòa, bị cáo Hưng phủ nhận lời khai của cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội về việc nhận tiền, yêu cầu đưa tiền của bị cáo. “Bị cáo không yêu cầu Hằng đưa tiền để không bị xử lý hình sự… Bị cáo chưa bao giờ nhận khoản tiền nào mà anh Tuấn gửi cho bị cáo”, lời khai của bị cáo Hưng.

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm, với tư cách là bị hại trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ Công ty Blue Sky) và Lê Hồng Sơn (Tổng GĐ Công ty Blue Sky) mong được nhận lại số tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt.