Khó khăn chưa từng có
Chủ một chuỗi 5 cửa hàng di động tại TP.HCM nói với ICTnews cho biết, kể từ khi làm nghề được hơn 13 năm đến nay, chưa bao giờ ông thấy lo lắng như thế.
“Tôi kinh qua những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường trong vòng 13 năm làm nghề đến nay, kể cả những nguyên do khách quan lẫn chủ quan, nhưng chưa bao giờ thấy lúc nào lo lắng như vậy. Chủ yếu do mình không nắm chắc được khi nào thị trường mới hồi phục lại”, ông chủ ở tuổi gần 40 tâm sự.
Cùng chung nhận định, ông Huỳnh Phú Hải, chủ một loạt cửa hàng 24H Store chuyên buôn bán, sửa chữa, đào tạo nghề điện thoại di động tại TP.HCM cũng cho biết lượng khách mua hàng ở các cửa hàng ông giảm 30% so với ngày thường.
“Ế lắm anh ơi. Doanh thu bây giờ chỉ bằng 1/3 so với trước”, chủ cửa hàng Nhật Huy (Q.10, TP.HCM) nói với ICTnews. Cửa hàng này chuyên bán các sản phẩm Apple cả mới lẫn cũ.
Ông Nguyễn Đạt, quản lý chuỗi cửa hàng Di Động Việt, cho biết doanh thu có bị ảnh hưởng nhưng không nặng nề. Riêng loạt smartphone cao cấp gần đây mới ra mắt của một hãng bị giảm doanh số.
“Hiện tôi bán mới bán hết 1/3 số lượng máy cam kết với hãng. Hy vọng tới hết hạn chót có thể bán đủ số, nhưng rõ ràng sẽ rất khó khăn”, ông Đạt nói.
Tất cả các chủ cửa hàng khi được hỏi đều cho biết thị trường chung gặp nhiều khó khăn, không chỉ ngành di động mà các ngành khác đều bị ảnh hưởng. Giai đoạn này người dùng đang hạn chế chi tiêu vào những sản phẩm không thực sự thiết yếu.
Ông Hải vừa khai trương một cửa hàng điện thoại mới vào ngày 8/3 và cho biết đang… ế từ đó đến nay. “Thử đi trục đường Trần Quang Khải thì biết, thường ngày nhộn nhịp thế mà nay vắng ngắt”, ông chủ chuỗi 24H Store nói.
“Hồi trước ai đó dư 10 triệu đồng họ có thể bỏ 8 triệu ra mua máy nhưng bây giờ họ dành để phòng thân”, chủ cửa hàng Nhật Huy nhận định.
“Bây giờ tiền mặt là vua, không nhiều người dùng nó để mua smartphone vài chục triệu nữa”, ông Đạt phân tích.
Cắt giảm chi tiêu để vượt khó khăn
Ông Hải cho biết đang thực hiện mọi biện pháp cắt giảm để vượt qua khủng hoảng. Các nhân viên trước đây được chia làm hai ca làm việc, nay được thuyết phục làm một ca. Trước đây có hai ca bảo vệ, nay đang chuẩn bị cắt giảm, tăng cường camera giám sát và các biện pháp bảo vệ từ xa.
“Hồi trước mở máy lạnh từ 8h30 sáng, nay nếu trời mát thì mở máy lạnh từ 9 giờ hoặc hơn”, ông Hải cho biết. Đó là chưa kể, các chương trình tiếp thị bán hàng đều được tiết giảm tối đa, chỉ những kênh hiệu quả ngay lập tức mới chi tiền, những kênh thuần tuý về xây dựng thương hiệu sẽ bị cắt.
“Chúng tôi cũng tích cực đưa hàng lên các kênh thương mại điện tử. Có thể chia chiết khấu cho họ, bớt lợi nhuận xíu nhưng đẩy được hàng là mừng”, ông Hải trình bày.
Năm 2019 làm ăn khá tốt, chủ cửa hàng Nhật Huy dự định mở thêm một cửa hàng mới ở Phú Nhuận (TP.HCM) nhưng sau khi thị trường ảm đạm từ sau Tết, ông chủ quyết định ngưng mở mới, chỉ tu sửa lại cửa hàng cũ.
Tương tự, ông Nguyễn Đạt cho biết từng định ký chương trình tiếp thị bán hàng cho hãng nọ hàng tỷ đồng nhưng ngay sau đó huỷ bỏ, vì cho rằng khó đạt được cam kết bán hàng giai đoạn hiện nay.
Cho đến hiện tại, không chủ cửa hàng nào dự báo được tương lai khi nào thị trường hồi phục. Tất cả đều đang chờ đợi, cố gắng cắt giảm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
“Trong giai đoạn này, đa dạng nguồn hàng cũng là cách để tồn tại, chứ chỉ tập trung bán vài món dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường chung”, ông Đạt phân tích.