- Việc VN đảm nhận vai trò chủ nhà năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược của VN về tương lai châu Á - TBD.
Phát biểu tại hội nghị APEC tại Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với VN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Hội nghị APEC tại Peru |
Năm 2006, VN đã đảm nhận rất thành công vai trò nước chủ nhà của APEC, được các thành viên và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, VN sẽ làm hết sức mình để cùng các thành viên thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.
Chủ tịch nước cho rằng, năm APEC 2017 cần chuyển thành cơ hội thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng 12 đã đề ra, tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nâng cao vị thế và uy tín của VN trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước kêu gọi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân cả nước để các thành viên APEC và bạn bè quốc tế cảm nhận sâu sắc về một nước VN hòa bình, ổn định, phát triển đầy năng động, con người VN giàu tình nghĩa, nhân văn và mến khách.
Ứng phó biến đổi khí hậu
Tiếp tục các hoạt động tại hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru, chiều hôm qua, Chủ tịch nước cùng các nhà lãnh đạo APEC đã tham dự phiên họp toàn thể thứ hai.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước cho rằng biến đổi khí hậu cùng với thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực.
Trong đó, ĐBSCL đang chịu tác động của nạn hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của hàng chục triệu người dân.
Chủ tịch nước nêu ra 5 đề xuất cụ thể: Các nền kinh tế APEC cần có quyết tâm chính trị và các giải pháp quyết liệt, sáng tạo để thực hiện các thoả thuận khí hậu toàn cầu.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguồn nước trên các cấp độ, bao gồm quản lý nguồn nước xuyên biên giới.
Tích cực triển khai khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai; đẩy mạnh nỗ lực kết nối vùng sâu, vùng xa, tăng cường đối tác công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng...
Cuối cùng, APEC cần coi trọng và tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong triển khai các biện pháp nêu trên nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm.
Thái An