- Tôi thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau - Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ ra.
NGHE CHỦ TỊCH HN NGUYỄN ĐỨC CHUNG PHÁT BIỂU:
Sáng nay, Ban chỉ đạo 197, TP Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, từ năm 2000 HN đã triển khai Kế hoạch 36.
"TP ra quân bao nhiêu lần theo các kế hoạch đều thất bại và gần đây nhất, Chỉ thị 14 ngày 12/12/2012 của Thành ủy do nguyên Bí thư Phạm Quang Nghị ký vẫn còn nguyên giá trị", ông nhấn mạnh.
Ông Chung nói: "Tôi nghĩ cứ thực hiện đúng chỉ thị là công việc sẽ tốt. Tôi đề nghị Chánh văn phòng UBND TP cùng Văn phòng Thành ủy về photo lại chỉ thị này gửi cho các sở, ban, ngành, quận huyện thực hiện đúng.
Ông Chung gói gọn lại trong mấy việc. Thứ nhất là tất cả việc liên quan đến lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lấn chiếm trong ngõ để bán hàng, trông giữ ô tô, xe máy.
Thứ hai, liên quan đến bán hàng rong. Thứ ba, các quảng cáo, biển khoan cắt bê tông.
Ông lấy thí dụ ngay câu chuyện nhà ông: "Tôi về cổng nhà tôi cũng có dán biển khoan cắt bê tông, tôi lấy máy gọi người chủ, nhà tôi muốn khoan bê tông. Khi đến, tôi gọi Trưởng công an phường, sau đó, cả ngõ không còn tình trạng này", lãnh đạo HN nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hồng Nhì |
"Vừa nãy đồng chí Đình (ông Nguyễn Xuân Đình - Trưởng Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP) có nêu là thu bàn ghế, biển quảng cáo không, có thời kỳ, báo chí nêu về hình ảnh rất phản cảm, anh cảnh sát giằng kéo rổ bán hoa quả, thu mấy cái biển, bàn ghế nhựa về công an các phường nhưng không có chế tài thanh lý.
Chúng ta có cách làm nhưng không kiên trì, có những đồng chí lãnh đạo không quan tâm nên mới xảy ra tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, lúc làm lúc không", ông Chung cho hay.
Ông cũng đặt vấn đề, tại sao có những quận làm tốt, có những quận không làm, bởi vì có những lãnh đạo không quan tâm và Bí thư Thành ủy cũng nhắc ông phải nhấn mạnh vấn đề này.
Theo ông, lãnh đạo các sở, chủ tịch UBND các xã, phường, trưởng công an mà quan tâm vấn đề này thì hoàn toàn có thể làm tốt.
"Cách làm của Hà Nội không thể ra quân rầm rộ mà làm như thế nào cho bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, mọi người phải tâm phục khẩu phục và thấy mình phải có ý thức với Thủ đô, không vứt rác, lấn chiếm vỉa hè. Chứ còn ra quân, phá dỡ xong lại bán hàng.
Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau nên tất cả các ông công an bỏ mà thôi. Mà có quán triệt là tôi nói trật tự hết.
Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi", Chủ tịch TP nói.
Ông Chung nhấn mạnh, nếu lần này không làm, ông sẽ chỉ rõ chỗ nào bí thư quận nào, chủ tịch, trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có.
Chủ tịch HN hỏi Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm rằng, các điểm bãi đỗ xe xung quanh bến xe Mỹ Đình có những ai, người nhà nhà ai ở đấy, quê ở đâu?
"Các đồng chí cứ nêu xem có phải ở Bắc Ninh không? Ai quê Bắc Ninh thì tra ngược ra. Tôi không tiện nói rõ, nhưng phải có cách làm đúng mới có phương pháp đúng được. Lần này, chúng ta làm cương quyết, bền vững, nhưng không ồn ào. Các đồng chí cứ ồn ào, ra quân, không khéo xuống lại làm ùn tắc thêm đường", Chủ tịch TP nhấn mạnh.
"Chịu khó đến từng nhà, kiên trì"
Lãnh đạo TP yêu cầu thực hiện phải kiên trì và đi đúng 3 bước. Thứ nhất, tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình, chủ tịch UBND xã phường phải chịu trách nhiệm thành lập các tổ 2 - 3 người đến từng nhà.
"Các đồng chí đến 1 phường không nhiều đâu, chỉ có người ở mặt đường chứ trong ngõ không ai bán đâu. Đến từng nhà một, đầu tiên là tuyên truyền, thuyết phục. Tôi đề nghị chủ tịch các phường nên có 1 thư ngỏ nêu rõ thực hiện chủ trương của TP, quận về việc yêu cầu các hộ kinh doanh ở mặt đường, mặt ngõ không lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, trông giữ trái phép xe đạp, xe máy và đề nghị họ chấp hành.
Các đồng chí phải ra 1 thông điệp gửi cho từng nhà, chịu khó đến từng nhà. Đồng thời ra thông điệp cho họ trong bao nhiêu ngày phải tháo dỡ và trong quá trình bán hàng là không được bày bán.
Bước 2, kiểm tra xem xét việc người dân thực hiện. Chúng ta làm có tình có lý. Hết bước kiểm tra nhắc nhở đến bước 3, cưỡng chế và phạt. Lúc đó người dân không kêu vào đâu được", ông Chung nêu.
Về đối tượng, theo Chủ tịch Chung, chỉ cần làm tốt 14 loại hàng thì tin TP sẽ sạch đẹp: cửa hàng bán hàng ăn, bán hoa, hoa quả, hàng điện máy, sửa chữa xe đạp xe máy, đồ da và đồ thời trang, đồ thể thao, trông giữ xe máy xe đạp, hàng rong, rau quả, thực phẩm...
"Các quận hiện nay bật đèn xanh cho người bán. Chúng ta phải nhất quán. Có nhiều nhà kinh tế lên tiếng về việc giải quyết công ăn việc làm, vấn đề người nghèo. Tôi xin thưa, nếu để ùn tắc giao thông, để TP nhếch nhác, bẩn thỉu, vệ sinh môi trường như hiện nay thì chúng ta mất đi văn hóa của 1 TP văn minh. Đó là cái mất lớn. Chúng ta phải nhất quán chuyện không phải vì mấy hộ này, không phải vì mấy người bán hàng rong các tỉnh, ngoại thành vào đây để Thủ đô nhếch nhác được", ông Chung nhấn mạnh.
Nếu làm 14 việc này thì Chủ tịch TP tin HN sẽ phong quang hết.
Ông cũng nêu cụ thể chủ tịch UBND các quận, trưởng công an các quận, phường và chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm chính liên quan 14 việc này.
"Năm nay là năm kỷ cương hành chính, nếu các đồng chí về không tổ chức triển khai, làm không nghiêm túc, không hiệu quả, làm không kiên trì, để tái diễn. Các đoàn kiểm tra công vụ của TP về kiểm tra lần thứ 3 là xem xét trách nhiệm.
Tôi xin nói thẳng thắn lần này TP cũng sẽ phải xem xét một vài đồng chí. Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có chỉ thị rồi, trưởng công an phường tham gia cấp ủy. Với góc độ ngành dọc, chúng tôi sẽ cách chức về mặt Đảng, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương ( GĐ Công an TP Đoàn Duy Khương - PV). Lần này TP sẽ làm một cách nghiêm túc", Chủ tịch TP khẳng định.
Tây ba lô chết khiếp với vỉa hè Hà Nội
Đến Hà Nội du lịch, du khách bốn phương không thể bỏ qua phố cổ. Đông đúc, ồn ào, vỉa hè không có lối đi...làm nên sức hấp dẫn nhưng cũng là nỗi sợ.
Công an phường vừa nghỉ, vỉa hè Hà Nội lập tức kín xe máy
11h30 trưa nay, ngay khi lực lượng chức năng rời đi, vỉa hè phố cổ lại ken kín xe máy, hàng hóa, người đi bộ lại được "mời" xuống lòng đường.
Bộ trưởng Tô Lâm: Xử nghiêm việc chiếm vỉa hè, lòng đường
Bộ trưởng Công an yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, kiên quyết không để tái diễn vi phạm.
Thủ tướng hoan nghênh tinh thần quyết liệt 'trả lại vỉa hè cho người đi bộ'
Thủ tướng cho rằng trong 2 tháng đầu năm nhận được nhiều tin vui ở TP.HCM và Hà Nội.
Hồng Nhì