Quốc hội chiều nay (20/10) thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là đề xuất bổ sung trách nhiệm xác minh tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã.
Phát biểu mở đầu tại tổ 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề xuất của VKSNDTC về bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với lực lượng công an xã.
Theo Chủ tịch nước, hiện nay hệ thống công an xã khá hoàn chỉnh, có vị thế trong hệ thống công an cả nước và có chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ. Sắp tới, nếu có Luật Công an xã, Chủ tịch nước cho rằng sẽ có những quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Nhận định vấn đề tội phạm ở nông thôn (chủ yếu là cấp xã), Chủ tịch nước đánh giá, trao trách nhiệm xử lý ban đầu tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã là cần thiết và đáp ứng kịp thời.
Chủ tịch nước phát biểu thảo luận tại tổ. |
“Tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Khẳng định đây là nhiệm vụ và cũng là yêu cầu đặt ra đối với lực lượng công an xã, Chủ tịch nước cho rằng nếu ràng buộc trách nhiệm này, việc nắm tình hình sẽ đến nơi đến chốn.
Đó là lý do Chủ tịch nước cho rằng phải yêu cầu cao hơn, rõ ràng hơn về độ chính xác cũng như trách nhiệm công an xã, từ đó để lực lượng này sát dân, sát cơ sở tốt hơn.
Ủng hộ chủ trương, song Chủ tịch nước cho biết vì công an xã là hệ thống mới khi đưa ra có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người phản đối.
Nhấn mạnh tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới có nhiều vấn đề phức tạp, không những TP mà ở cả nông thôn, Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề trộm cắp, tội phạm, kể cả tội phạm công nghệ cao ở nông thôn cũng phát triển. Vì thế, nhiệm vụ xử lý tin báo tố giác tội phạm thành nhiệm vụ chính trị của công an xã là vấn đề rất cần thiết.
“Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải gây trở ngại, khó khăn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông đề nghị Bộ Công an tổng kết, đánh giá lại hoạt động của công an xã để phát huy mặt tốt, chấn chỉnh tồn tại trong hoạt động của lực lượng này, kể cả về cơ sở vật chất, phương thức hoạt động và cơ chế phối hợp với các lực lượng khác tại cấp cơ sở.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cũng nhất trí với việc bổ sung thêm trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với lực lượng công an xã. Theo tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã nắm cơ sở", lực lượng công an chính quy đã được đưa về cơ sở, với mỗi xã từ 3-5 công an chính quy.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn |
Từng là Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng, ông Lại Xuân Môn cho biết tỉnh hết sức quan tâm đến lực lượng này. Tỷ lệ tội phạm hay các vụ việc xảy ra ở bản làng, thôn xóm từ khi có công an chính quy xuống thì đã giảm.
Vì vậy, theo ông, bổ sung lực lượng công an chính quy mà lại không bổ sung thêm trách nhiệm thì không đáp ứng được yêu cầu. Bổ sung trách nhiệm cho lực lượng công an xã chính quy thì vụ việc sẽ giải quyết ngay tại cơ sở, sẽ giảm áp lực cho các cấp bên trên.
Phân tích cùng vấn đề, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí nêu thực tế quy định trước đây chỉ đề cập đến lực lượng công an phường và đồn công an, không nhắc đến công an xã.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí |
Những năm gần đây, Bộ Công an đã chuyển công an chính quy làm công an xã, cho thấy lực lượng này đã có thay đổi căn bản về chất. Tuy nhiên, tính pháp lý trên thực tế lại không có, vì vậy, cần thiết phải bổ sung để lực lượng công an xã được “chính danh”.
Tội phạm ở cơ sở chủ yếu ở cấp xã, làm tốt ngay từ đầu sẽ giảm được áp lực giải quyết ở cả cấp huyện và cấp tỉnh.
Phát biểu thảo luận tại tổ 1, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, gần 2 năm qua Bộ đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 công an chính quy/xã.
Có xã 5 người, có xã 7-8 người; cũng có xã thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM) cán bộ công an đến 50 người, vì xã đó có tới 130.000 dân, gần bằng nửa tỉnh khác.
Vừa qua Bộ tiếp tục tăng cường gần 400 cán bộ xuống các xã biên giới, đây là nơi mà những vấn đề liên quan an ninh, biên giới, tôn giáo, dân tộc, dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp.
Theo Bộ trưởng, từ 1/10/2017 đến tháng 6/2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...
"Nếu không phân cấp cho xã rất khó khăn, bởi vì những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa; nếu kéo dài không giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác", Bộ trưởng viện dẫn.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm |
Trung bình một năm 1 công an xã chính quy tiếp nhận 0,84% tố giác, tin báo tội phạm; công an phường, thị trấn tiếp nhận 1,3%. Bộ trưởng khẳng định, khi sắp xếp lại, đưa cán bộ tăng cường xuống xã thì Bộ Công an không tăng biên chế mà chỉ tính toán trong nội bộ.
Cho đến hiện nay cũng không tăng biên chế mà áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ sở với chủ trương cơ quan Bộ chỉ chiếm 15% quân số, còn lại tập trung ở quận, huyện, xã.
Trần Thường
Kiến nghị thêm quyền hạn, tăng cường vai trò của công an xã
VKSND Tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định: Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh sơ bộ tin tố giác tội phạm.