Chiều 10/1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, định hướng năm 2025.

Kinh tế thoát tăng trưởng âm

Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, năm 2024, dù dịch Covid-19 đã đi qua nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề, tác động lớn đến nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Quảng Nam đã vượt qua đà tăng trưởng âm của năm 2023, bắt đầu tăng trưởng dương từ quý 2 năm 2024. Đến nay, tăng trưởng cả năm 2024 đạt 7,1%...

"Thu ngân sách có thời điểm tưởng chừng không đạt khi nhà máy bia đóng cửa, nguồn thu từ đất đóng băng, thế nhưng đến hết năm 2024, Quảng Nam thu được hơn 27.594 tỷ đồng, vượt dự toán đề ra", ông Lê Văn Dũng chia sẻ.

W-5A0A3311 (2).JPG.jpg
Quang cảnh buổi họp báo.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số và chống lãng phí; đặt mục tiêu GRDP tăng 9,5-10%, thu ngân sách đạt 25.000 tỷ đồng. Số lao động có việc làm mới tăng thêm 16.000 người.

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh quyết liệt thực hiện chương trình chuyển đổi số, chính quyền số gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Tỉnh cũng phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo và có thêm ít nhất 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, ít nhất 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ít nhất 60% số thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu,...

Sẽ vận động người năng lực yếu nghỉ việc

Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về lộ trình sáp nhập, tinh giản biên chế trên địa bàn và cơ chế của tỉnh cho những cán bộ nghỉ hưu sớm, ông Lê Văn Dũng cho biết, trước đây Quảng Nam đã làm quyết liệt, sáp nhập được nhiều đơn vị, điển hình như sáp nhập các trường cao đẳng thành một trường, trực thuộc UBND tỉnh.

Vừa qua, Quảng Nam cũng có đề án tiếp tục sáp nhập và tinh gọn bộ máy căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. "Nếu trùng lặp thì cương quyết sắp xếp cho gọn lại và sắp xếp bên trong giảm ít nhất 20% biên chế, tỉnh quyết tâm đạt bằng được chỉ tiêu này", ông Dũng khẳng định.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa có ai tự nguyện gửi đơn xin nghỉ để thực hiện tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, ông tin rằng sắp tới sẽ có rất nhiều người xin nghỉ, bởi vì hiện nay chính sách hỗ trợ cho những người tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi rất tốt.

Ngoài chính sách của Trung ương, Quảng Nam cũng đang nghiên cứu, thăm dò thêm một số địa phương để xem xét có thêm cơ chế hỗ trợ đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ hay không.

"Mục tiêu sắp xếp là có bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Do đó, phải sàng lọc, người nào năng lực yếu, thiếu trách nhiệm, làm việc cầm chừng, né tránh thì phải vận động cho nghỉ", ông Dũng nói.

W-5A0A3401 (2).JPG.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng trả lời tại buổi họp báo.

Chủ tỉnh tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định trong quá trình sáp nhập các đơn vị, có thể lãnh đạo sẽ dôi dư, nhưng tỉnh sẽ quyết tâm thay thế người khác nếu làm không tốt.

Về việc cơ sở vật chất sau khi sáp nhập các cơ quan, đơn vị, ông Dũng cho biết, tỉnh đã giao cho Sở Tài chính có đề án và tham mưu nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất việc lãng phí các trụ sở này.

"Ví dụ nơi nào bố trí được cho cơ quan nào hợp lý thì sẽ bố trí, còn tài sản nào không bố trí được sẽ thanh lý sớm để phát huy hiệu quả đất đai ở đó", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm, sắp tới một số sở ngành hợp nhất, nếu 1 trụ sở không đủ chỗ cho số lượng cán bộ thì ban đầu vẫn sẽ chia ra làm việc tại các trụ sở này, chứ không xây mới hay mở rộng thêm.