Sáng 17/11, kết luận hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đầu nhiệm kỳ, công tác giám sát được xác định là nội dung trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội.

Khắc phục tình trạng “3 sôi 2 lạnh”

Đánh giá giám sát chuyên đề tiếp tục là điểm sáng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định 2 chuyên đề của Quốc hội và 2 chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát được thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả. 

Thay vì hầu hết nội dung giám sát chuyên đề trước đây theo kiểu “hậu kiểm” thì những năm qua lựa chọn vấn đề đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, như về công tác quy hoạch, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

vunogdinhue 1.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, ban đầu có ý kiến cho rằng mới làm vài năm thì giám sát làm gì nhưng thực tế giám sát đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc.

Ông dẫn câu chuyện quy hoạch, nhờ giám sát, Quốc hội ban hành được Nghị quyết 61 gần như tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, xử lý khoảng trống pháp lý.

“Không có giám sát thì không biết giờ công tác quy hoạch thế nào và đến đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hay như với 3 chương trình mục tiêu, ngay khi đặt vấn đề giám sát đã có chuyển biến, đến khi tiến hành giám sát tạo chuyển biến lớn, cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Các báo cáo kết quả giám sát đều được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến hiệu quả của việc “giám sát lại”, tức giám sát vấn đề sau giám sát được quan tâm hơn, đi đến cùng vấn đề. 

“Đã làm và sẽ làm tiếp. Không phải ban hành nghị quyết là xong. Giám sát phải có hiệu lực. Tốt phải được biểu dương nhưng sai phạm phải xem xét xử lý. Vấn đề có khuyết điểm thì phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không thể nói chung chung được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Một điểm nhấn trong công tác giám sát vừa qua theo ông Vương Đình Huệ là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Cụ thể, Quốc hội ban hành Nghị quyết 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm để cụ thể hoá chủ trương của Đảng. Việc lấy phiếu được thực hiện đúng quy định, quy trình, thận trọng, chu đáo, kỹ lưỡng; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; kết quả công bố công khai ngay, được dư luận và đại biểu đánh giá cao.   

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận việc xây dựng các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng ngắn gọn, súc tích, tính khoa học, phản biện cao hơn. Đặc biệt là khắc phục tình trạng “3 sôi 2 lạnh”, "khen một tí và chê một tí, chẳng đâu vào đâu”. 

Kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được ghi nhận và đánh giá cao, nhất là việc tổ chức thảo luận tổ, thảo luận hội trường ở kỳ họp chứ không chỉ gửi đại biểu nghiên cứu. Công tác dân nguyện được xem xét hằng tháng…

"Giải trình xong tất cả lại về, chả có kết luận, nghị quyết thì không có ích gì"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát. 

Đó là cần nghiên cứu giải quyết mối quan hệ giữa “diện” và “điểm”, tức tính chất giám sát toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. “Vì vấn đề giám sát mênh mông bể sở, cuối cùng là giải quyết vấn đề gì”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và nêu thực tế có trường hợp “bơi trong rừng số liệu”.

Qua giám sát góp phần kiến tạo phát triển được thể hiện rõ, như ban hành các nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm nhiều khi báo cáo tóm tắt chỉ mấy dòng trong khi đáng ra đây phải là phần nổi của giám sát.

Quochoi.jpeg
Đây là hội nghị lần thứ 3 được tổ chức trong nhiệm kỳ

“Phát hiện nhiều nhưng cuối cùng nói hòa cả làng, không khéo lại '3 sôi 2 lạnh'. Tình trạng nể nang vẫn còn. Xuống tận nơi phát biểu rất hùng hồn, rất đâu vào đấy, nhưng về đến nơi lại chẳng thấy gì nữa, không biết đi đâu hết. Cái này không phổ biến nhưng không phải là ít”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo ông Vương Đình Huệ, thực chất có kiến nghị gì thì cũng chỉ để cho tốt hơn, chứ không phải “vấn đề nặng nhẹ”. Nếu không nói trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan thì sau này vẫn thế. 

“Làm tốt được khen thưởng động viên, nhưng làm không ra gì chẳng sao tự nhiên nó mất động lực”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xác định rõ trách nhiệm, kiến nghị cụ thể cũng là kiến tạo phát triển.

Ghi nhận sự nỗ lực và kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thời gian qua, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần linh hoạt, nhạy bén sát thực hơn. Bởi có những cuộc giải trình mà từ khi có chủ trương đến lúc thực hiện mất vài ba tháng thì mất ý nghĩa, không kịp thời, không bám sát được vấn đề nổi lên. 

Giám sát văn bản quy phạm pháp luật, theo ông Vương Đình Huệ, dù có tiến bộ nhưng còn xa mới đạt yêu cầu. Bên cạnh đó công tác giám sát của đoàn ĐBQH, nhất là của ĐBQH chưa nhiều.

Về chương trình giám sát năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nhắc đến thời điểm chuẩn bị cho đại hội đảng cấp cơ sở; diễn ra đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Vì vậy, các hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế, phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt mục tiêu giám sát mà đỡ phiền địa phương, cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý sớm nghiên cứu ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội.

“Giám sát và giải trình xong có kết luận không? Nếu giải trình xong tất cả lại về, chả có kết luận, nghị quyết gì thì không có ích gì”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.