Ngày 8/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ do Thượng nghị sĩ Jeff Markley làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam trước đây đã đặt nền móng cho hợp tác phát triển hai nước nói chung và cơ quan lập pháp nói riêng. Thượng nghị sĩ Jeff Merkley cho biết, đoàn nghị sĩ Mỹ lần này đến Việt Nam với mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác, mở rộng các lĩnh vực khác ngoài kinh tế, thương mại như biến đổi khí hậu. Hiện cả Mỹ và Việt Nam đều đang phải đối mặt với các thách thức chung đến từ biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính...
Các nghị sĩ Mỹ đánh giá cao cơ hội đến Việt Nam lần này, cùng được gặp gỡ và trực tiếp trao đổi mối quan tâm chung trong hợp tác phát triển hai nước. Trong đoàn có nhiều nghị sĩ lần đầu tiên đến Việt Nam, bày tỏ ấn tượng khi tận mắt chứng kiến sự phát triển năng động của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của Quốc hội Mỹ trong việc phát triển và làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Hợp tác giữa Quốc hội hai nước là yếu tố quan trọng trong tổng thể quan hệ song phương.
Quốc hội hai nước tiếp tục mở rộng hợp tác với nhiều hình thức khác nhau để giúp các nghị sĩ Mỹ và đại biểu quốc hội Việt Nam hiểu biết thêm về tình hình mỗi nước, nhất là giữa các nghị sĩ trẻ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần thúc đẩy xây dựng cơ chế trao đổi, phối hợp giữa Quốc hội hai nước, giữa các ủy ban chuyên môn, Nhóm nghị sĩ hữu nghị, các trợ lý nghị sĩ và sớm thành lập Nhóm các nghị sĩ ủng hộ quan hệ Việt – Mỹ tại Quốc hội Mỹ.
Chia sẻ Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những gì các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, cũng như doanh nghiệp và người dân Mỹ chứng kiến tại Việt Nam cho thấy nỗ lực cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Trên hành trình này, Việt Nam có sự hỗ trợ lớn của bạn bè quốc tế trong đó có những người bạn Mỹ.
Việt Nam mong muốn sớm hình thành được khung khổ hợp tác giữa quốc hội hai nước, bởi đây là thiết chế quan trọng trong các trụ cột hợp tác của hai nước. Trong khi Quốc hội Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác lớn, không có lí do gì quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ tốt đẹp và đang không ngừng phát triển lên tầm cao mới mà Quốc hội hai nước lại không có cơ chế hợp tác nào. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và gửi gắm thông điệp này đến cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Mỹ tiếp tục dành ưu tiên cao cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; tăng ngân sách khắc phục các điểm nóng dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và tìm kiếm, định danh hài cốt liệt sỹ Việt Nam.
Hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng và là động lực của quan hệ song phương với kim ngạch thương mại hai nước năm 2022 đạt con số kỷ lục 123 tỷ USD. Việt Nam trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm trong 2 năm qua, cá nhân ông đã gặp và tiếp các đoàn doanh nghiệp của Mỹ trong USABC, AmCham, mới đây nhất là cuộc gặp với 52 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ. Ông khẳng định, phía Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng hơn, không cạnh tranh trực tiếp mà bổ trợ cho nhau.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội Mỹ ủng hộ việc duy trì quan hệ thương mại ổn định, lâu dài giữa hai nước, tiếp tục tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam như cá tra, tôm, nhập khẩu hoa quả, công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, và đang tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trên cương vị nước đang phát triển, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của Mỹ về nguồn lực, tài chính, kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả những cam kết đã đề ra trong lĩnh vực này.
Về Biển Đông, Việt Nam đánh giá cao Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN liên quan đến Biển Đông, trong đó có việc bảo đảm tự do hàng hải - hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), không đe dọa và sử dụng vũ lực...
Việt Nam mong muốn Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mức quan tâm cao đối với vấn đề Biển Đông; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước khu vực nâng cao năng lực hàng hải; khuyến khích các doanh nghiệp dầu khí Mỹ thực hiện hoạt động thăm dò, khai thác hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với một số sáng kiến có tính chất toàn cầu như Sáng kiến kết nối kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét tích cực các trụ cột của sáng kiến.