Sáng 24/8, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP.HCM trong trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2 năm đầu của giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu HĐND TP.HCM thực hiện giám sát về đầu tư công tại UBND TP

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, qua khảo sát của HĐND TP, việc giải ngân đầu tư công có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, tính đến ngày 12/8/2022, thành phố mới giải ngân được 29% so với kế hoạch vốn được giao là thấp.

Bà Lệ cũng chỉ rõ nhiều công trình trọng điểm của thành phố có tiến độ giải ngân chậm, công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án chậm, kéo dài… làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. 

Theo bà Lê, phiên giám sát hôm nay nhằm giải trình, làm rõ hơn nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm và thấp so với yêu cầu, đồng thời đề ra những giải pháp để đẩy mạnh đầu tư công thời gian tới. 

Phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức quy định

Tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM, giải trình về nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm, tỷ lệ thấp, Chủ tịch Phan Văn Mãi thừa nhận “công tác quản lý nhà nước về đầu tư công còn bộc lộ một số hạn chế”.

Theo ông Mãi, vẫn còn một số chủ đầu tư chậm báo cáo, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ.

Một số chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm so với thời gian quy định; người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án nhưng không căn cứ vào kết quả giám sát, đánh giá quá trình chuẩn bị đầu tư dự án. 

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi lý giải nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm

“Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức quy định đã được phát hiện và xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin.

Về tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án, ông Mãi cho hay, qua quá trình theo dõi, kiểm tra, thành phố xác định một số nguyên nhân chính chính ảnh hưởng đến dự án như sau:

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan. Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn tồn tại hạn chế.

Vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng ký kết dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục; chưa đôn đốc các nhà thầu liên quan hoàn thành đúng thời gian theo quyết định phê duyệt dự án; công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu hoàn thành.

Xác định được các nguyên nhân, Chủ tịch TP.HCM đã nêu một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đầu tư công trong thời gian tới.

Cụ thể, coi việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình.

Tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban để lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị, đảm bảo các dự án triển khai đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và đủ điều kiện để bố trí vốn.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. 

Đặc biệt, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh, cần tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội của TP.

Một nguyên nhân lớn mà Chủ tịch TP.HCM nêu, đó là sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa đồng bộ.

Trong giải ngân đầu tư công, vai trò điều hành là của UBND TP và Chủ tịch thành phố. Tuy nhiên, theo ông Mãi, hiệu quả giải ngân mới là điều đáng nói. “Chúng ta tốn nhiều thời gian, công sức nhưng chưa có chuyển biến nhiều. Cuối năm nay sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, kể cả trách nhiệm của tôi với tư cách là Chủ tịch TP”, ông Mãi khẳng định.

Cuối cùng, ông Mãi yêu cầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của HĐND TP.HCM về kết quả khảo sát đầu tư công trên địa bàn, năm 2021, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước Thành phố là hơn 19.721 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 61,13% tổng kế hoạch vốn giao (32.262 tỷ đồng). Trong năm 2022 (tính đến 12/8/2022), tổng số vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước Thành phố là hơn 10.490 tỷ đồng, đạt 29% tổng kế hoạch vốn giao.