Chiều 8/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.

Quan tâm đến vấn đề an sinh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đề nghị Chủ tịch TP làm rõ vấn đề, vì sao đến nay dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, nhưng một phần kinh phí hỗ trợ cho người dân vẫn chưa kết thúc? 

Về quản lý Nhà nước, đại biểu đề nghị Chủ tịch TP giải thích nguyên nhân vì sao có một số Nghị quyết HĐND đã thông qua và ban hành khá lâu nhưng đến nay UBND TP vẫn chưa triển khai hoặc triển khai chậm?. Có một số nghị quyết đã ban hành từ tháng 7, đến nay UBND TP mới hướng dẫn thực hiện. 

Đại biểu Nguyễn Việt Tú chất vấn Chủ tịch TP.HCM

Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi thừa nhận, đến nay việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch chưa xong là quá trễ. 

Cụ thể hơn, ông Mãi cho biết, về gói hỗ trợ cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch đã cơ bản xong, chỉ còn phần phát sinh thêm khoảng 57 tỷ đồng. “UBND TP đã họp với một số ban, ngành, thống nhất phương án chi và đã chỉ đạo sẽ chi phần phát sinh sớm nhất”, ông Mãi cho biết. 

Về gói hỗ trợ cho người dân (có hai gói hỗ trợ), ông Mãi cho hay, khi dịch bùng phát, do tính chất khẩn trương nên UBND TP báo cáo xin chủ trương của Thành ủy, các thủ tục vì gấp nên chưa thể toàn diện. Sau khi rà soát, UBND TP đã chỉ đạo hoàn tất quyết toán, cho phép bổ sung dự toán cho năm 2021, để chi hỗ trợ cho những người chưa nhận. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi trả lời chất vấn

Ông Mãi thông tin, hiện tại 3 địa phương là huyện Củ Chi, Bình Chánh và quận Bình Tân còn khoảng 849 tỷ đồng chưa chi cho người dân. UBND TP đã chỉ đạo, thống nhất chi trong nguồn thu tăng thêm và tiết kiệm để hỗ trợ người dân có trong danh sách nhưng chưa được nhận. 

“UBND TP đã chỉ đạo các địa phương rà soát việc thiếu sót, thực hiện việc chi hỗ trợ từ nay đến trước Tết để bà con có thêm điều kiện đón Tết”, ông Mãi nói.

Về vấn đề chưa hoặc chậm triển khai một số nghị quyết đã được HĐND thông qua, Chủ tịch Phan Văn Mãi xin nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm trước HĐND. 

Ông cam kết sẽ rà soát, chỉ đạo triển khai ngay vấn đề mà đại biểu nêu. 

Về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân thuê, đại biểu Tăng Hữu Phong (TBT báo Sài Gòn Giải Phóng) đề nghị Chủ tịch TP thông tin chi tiết kế hoạch, tiến độ và mục tiêu mà thành phố đặt ra có thực hiện được hay không?

Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn về vấn đề nhà ở

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, đã chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu, triển khai 18 dự án. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành 20.000 nhà ở xã hội thuộc dự án hai bên kênh rạch (nằm trong dự án chỉnh trang đô thị). 

Giải ngân đầu tư công năm 2022 quá thấp, chỉ đạt khoảng 30%

Một số đại biểu lo lắng khi giải ngân đầu tư công của thành phố quá thấp (đến nay chỉ khoảng 30%).

Đại biểu Trần Văn Thắng đặt vấn đề: Năm 2023, dự kiến cần ngân sách đầu tư công là 71 nghìn tỷ, trong đó Trung ương phân bổ 55 nghìn tỷ. “Vậy, từ nay đến năm sau, TP.HCM cần các giải pháp nào để huy động nguồn vốn cân đối và đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%?”, đại biểu Thắng hỏi.

Đại biểu Trần Văn Thắng chất vấn về đầu tư công 

Trả lời đại biểu, ông Mãi thừa nhận giải ngân đầu tư công năm 2022 quá thấp (dự kiến 80%, nhưng chỉ đạt khoảng 30%). 

Theo ông Mãi, TP.HCM được phân bổ hạn mức đầu tư công năm 2023 khá lớn. Về giải pháp, TP là địa phương tự cân đối nguồn lực. 

Tại kỳ họp chuyên đề vừa qua, UBND TP đã trình phương án phân bổ 42 nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực như bán đấu giá đất (đã có phương án bán đấu giá đất ở Thủ Thiêm). Tuy nhiên, ông Mãi lo lắng tình hình thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, tạm thời chưa triển khai để tránh việc bán rẻ tài sản công. 

TP cũng được Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết đặc thù 54, do đó sẽ trao đổi với các cơ quan Trung ương, tìm giải pháp huy động thêm nguồn vốn giải ngân.  

Về nguyên nhân giải ngân đầu tư công thấp năm 2022, ông Mãi nói: “Như đã báo cáo trước khi trả lời chất vấn, năm 2022, thành phố đạt được nhiều điểm sáng, nhưng cũng có một số điểm “xám”, trong đó có vấn đề giải ngân đầu tư công thấp”.

Theo ông, nguyên nhân chậm do chuẩn bị hồ sơ dự án, nhất là dự án chuyển tiếp từ nhiệm kỳ trước, việc hoàn chỉnh hồ sơ rất mất thời gian. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chậm từ các dự án, trong năm 2022 khối lượng giải phóng mặt bằng của TP.HCM chỉ đạt 21%.

Chủ tịch TP.HCM cũng chỉ rõ sự phối hợp giữa các đơn vị, sở ngành chưa thông suốt khi giải quyết các vướng mắc. Cùng với đó là trách nhiệm của một số chủ đầu tư, địa phương chưa cao. Vì vậy, ông Mãi cho biết, giải pháp thúc đẩy đầu tư công trong năm 2023 là phải tháo gỡ chính các điểm nghẽn nêu trên. 

TP đã thành lập 3 tổ công tác, gồm tổ công tác ODA, tổ công tác các dự án lớn và tổ công tác giải phóng mặt bằng. Những tổ này đang hoạt động hết công suất nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt mục tiêu đề ra.