Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, đến nay tỉnh Thái Bình đang tập trung quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu theo hướng văn minh.
Xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình đã và đang trở thành phong trào thi đua sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong đó, tiêu chí số 17 về môi trường luôn được tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả tại các huyện.
Tới nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (nước máy) đạt 98,31%. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đều nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có thủ tục môi trường theo quy định; đối với các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, hộ gia đình đều được UBND xã, thị trấn kiểm tra và ký xác nhận cam kết về bảo vệ môi trường. Các làng nghề nêu trên đều đã lập phương án bảo vệ môi trường được UBND huyện thẩm định và phê duyệt.
Hệ thống thu gom, tiêu thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư được các xã thực hiện xây dựng đồng bộ cùng với xây dựng đường giao thông nông thôn; tổ chức các phong trào vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng hoa nơi công cộng, trong khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông; hoạt động tổng vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên vào thứ Bẩy, Chủ nhật tuần cuối cùng hằng tháng; đã hình thành một số mô hình phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đem lại hiệu quả cao; các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,... đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chỉnh trang, vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, thị trấn và đã đăng ký tiếp nhận quản lý các tuyến đường, dòng sông quê hương và các khu vực công cộng, đã tham gia xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh góp phần làm bộ mặt nông thôn ngày càng sáng - xanh- sạch - đẹp. Có 100% số xã có hợp tác xã môi trường, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị vận chuyển bằng xe ép rác chuyên dụng đưa về Nhà máy xử lý rác thành phố Thái Bình phân loại sơ bộ và xử lý theo công nghệ đốt kết hợp chôn lấp; Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt tại huyện Quỳnh Phụ thực hiện xử lý CTRSH bằng công nghệ TTD-01 (không chôn lấp) cho 15 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ; 100% xã, thị trấn có tổ thu gom rác thải (nòng cốt là hội phụ nữ và lao động nhàn rỗi), khu tập trung, xử lý rác thải sinh hoạt; CTRSH được thu gom đạt 96,37%.
Để diện mạo nông thôn Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, trong thời gian tới tỉnh Thái Bình có các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn sau:
Tăng cường, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng nông thôn.
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ chuyển hóa sinh khối từ phế phụ phẩm nông nghiệp thành các nguồn năng lượng tái tạo.
Chú trọng sản xuất nông nghiệp, thủy sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch để đảm bảo phát triển ngành có định hướng, bền vững, phát triển sản xuất đi đôi với đầu tư bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hệ thống thú y, hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, các dịch vụ khác để hướng dẫn, quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và vấn đề tiêu thụ sản phẩm,... trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhằm giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nêu trên.
Và, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh các mô hình thu gom CTR sinh hoạt dựa vào cộng đồng dân cư nông thôn. Đặc biệt, hướng dẫn, tuyên truyền việc phân loại rác thải tại nguồn theo như quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2023, nhằm giải thiểu lượng rác thải phải xử lý, phân loại chất thải nguy hại và CTRSH, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế làm phân bón vi sinh,… Tiếp tục triển khai thành lập bổ sung các Tổ thu gom rác ở khu vực đối với các tuyến đường đơn vị thu gom không thu gom được, vận chuyển đến điểm thuận tiện giao thông để giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý với số lượng thành viên của tổ thu gom rác đáp ứng cho công tác thu gom.