Tiêu chí về phát triển giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và được ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", trên cơ sở các nội dung của Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam từ 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn, đảm bảo thuận lợi cho lưu thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có 119/119 xã, bằng 100% tổng số xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán của người dân, cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.
Hệ thống đường giao thông nông thôn hoàn thiện đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn; điều kiện phục vụ sản xuất thuận lợi hơn, sản phẩm của nông dân được thông thương tiêu thụ tốt hơn, năng suất, chất lượng sản xuất, doanh thu từ nông nghiệp từ đó cũng nâng lên rõ rệt.
Hầu hết các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều có đường ôtô đến trung tâm xã và từ trung tâm xã đến các thôn được rải nhựa hoặc đổ bê tông đảm bảo chất lượng. Đường trục chính nội đồng và đường ngõ xóm cũng được cứng hóa không bị lầy lội trong mùa mưa.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay toàn tỉnh Ninh Bình đã làm mới, nâng cấp 16.904 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2.138,7 km bằng 269.276 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ.
Ông Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình cho hay, những năm qua, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các sở, ngành lồng ghép nguồn vốn bảo trì kết hợp với nguồn vốn ngân sách nhà nước triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường trục xã cần nguồn vốn lớn góp phần hoàn thành Tiêu chí số 2 về giao thông.
Tiêu biểu như: Tuyến đường trục xã Gia Tiến, tuyến đường trục xã Gia Trung (huyện Gia Viễn); tuyến đường trục xã Kim Chính, xã Chính Tâm, xã Xuân Thiện, tuyến đường liên xã Lưu Phương – Cồn Thoi (huyện Kim Sơn).
Hơn 10 năm qua, các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn ước tính khoảng trên 3.500 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 2.718 tỷ (chiếm 77%), vốn nhân dân đóng góp 496 tỷ (chiếm 14%), vốn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp 404 tỷ (chiếm 9%).
Tại Kim Sơn - huyện cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình, tiêu chí giao thông luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Tại đây, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được đổ bê tông phẳng lì, rộng rãi, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, tạo ra diện mạo rất khác biệt.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ dân đã tự nguyện phá dỡ tường rào, các công trình phụ, hiến đất, góp tiền của và ngày công để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện toàn huyện Kim Sơn có 784 hộ hiến trên 16.000 m2 đất, ước tính giá trị 2,4 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.
Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp trên 9,1 tỷ đồng tiền mặt, góp ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn… Các xã trong huyện đã tiếp nhận trên 7.668 tấn xi măng, hỗ trợ tiền mua vật liệu khác và vận động nhân dân tổ chức đổ bê tông 346 tuyến đường với tổng chiều dài gần 71 km. Trong đó: Làm mới 286 tuyến đường, chiều dài gần 52 km; cải tạo, nâng cấp 60 tuyến đường, chiều dài trên 18,8 km. Phong trào làm đường giao thông nông thôn tại huyện Kim Sơn là một phong trào thiết thực, hiệu quả được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và huy động được nguồn lực từ trong dân để thực hiện.
Trong thời gian tới, đặc biệt là từ năm 2023 đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung huy động tổng hợp mọi nguồn lực từ nhân dân đóng góp, từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện xã; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển, hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh, vốn của các tổ chức nước ngoài như: WB, AFD và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn.
Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác quản lý duy tu sửa chữa thường xuyên các tuyến đường hiện có và các tuyến đường sau khi được nâng cấp, cải tạo, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả hệ thống giao thông nông thôn.
Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để làm chuyển biến hơn nữa nhận thức về nội dung, lợi ích của việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Nhật Minh