Nhiều tín hiệu mới

Theo bà Tạ Hoàng Lan, Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, gần đây, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng trưởng tích cực tại thị trường Anh nhờ sự phục hồi của kinh tế, sản xuất, xuất nhập khẩu mang lại những tín hiệu lan toả rất tốt.

Trước đây, người tiêu dùng, doanh nghiệp Anh ít biết đến Việt Nam, nhưng nhờ UKVFTA nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm cách đưa hàng Việt chất lượng vào kênh phân phối.

20190817 111136.jpg
Việc xây dựng được thương hiệu riêng cho hàng Việt rất quan trọng. 

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD.

Ông Alan Rides, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Tây London (WLCC) cũng đánh giá, kể từ khi ký Hiệp định UKVFTA, thương mại song phương giữa hai bên đã tăng đáng kể. Xuất khẩu của Anh sang Việt Nam hiện lên tới 1 tỷ bảng Anh (1,22 tỷ USD) mỗi năm trong khi Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 6 tỷ bảng mỗi năm sang Anh.

Cho đến nay, hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Anh đang tăng trưởng, nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, thị phần vẫn chiếm rất ít, chỉ đạt 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. 

Một trong những nguyên nhân là do chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường Vương quốc Anh. Từ góc độ cơ quan xúc tiến thương mại, bà Tạ Hoàng Lan nêu nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu mà thường tập trung nguồn lực để tăng quy mô sản xuất, sản lượng nhiều nhất sau đó mới chú trọng đến công tác chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng.

Mặt khác, có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Điều này dẫn đến khi có sự cố tranh chấp liên quan đến thương hiệu doanh nghiệp mới chú ý.

Cần xây dựng thương hiệu cho hàng Việt ở Anh

Đa số doanh nghiệp trong nước hiện chủ yếu làm gia công với tâm lý cho “dễ thở” thay vì đi tìm khách hàng, thị trường. Ngoài ra, nhà nhập khẩu nước ngoài thường có tâm lý sử dụng chính thương hiệu của doanh nghiệp nước sở tại.

Theo bà Hoàng Lan, việc xây dựng thương hiệu trong nước đã rất khó, xây dựng thương hiệu tại nước ngoài lại càng khó hơn. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực, có quy trình sản xuất bài bản, kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường để có sản phẩm tốt nhất, có tính ưu việt.

Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng đến công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài; không chú ý đến khâu đăng ký, theo đuổi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dẫn tới nhiều cá nhân, tổ chức đăng ký trước, vì thế doanh nghiệp có thể phải mua lại với gia cao, hoặc bị lợi dụng uy tín, tham gia các vụ kiện tụng… Đồng thời, doanh nghiệp chưa chú trọng nghiên cứu, đầu tư về thiết kế bao bì, sản phẩm, hiện chủ yếu quan tâm bán thứ mình có chứ chưa bán cái thị trường cần.

Ngoài ra, trong bối cảnh tham gia các FTA đang là xu hướng chung trên thế giới và nhiều quốc gia lựa chọn để mở rộng hợp tác kinh tế, doanh nghiệp trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm, thương hiệu của nhiều quốc gia khác trên sân chơi kinh tế thế giới.

Đặc biệt, FTA trong đó có UKVFTA đặt ra hàng loạt các yêu cầu về thuế quan, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ… trong khi doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất theo truyền thống chưa chú trọng tìm hiểu tiêu chuẩn, kỹ thuật theo yêu cầu.

Từ thực tế trên, bà Tạ Hoàng Lan cho rằng, để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại thị trường Anh, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường; quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, là chìa khoá quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt tại Anh. Bên cạnh đó. thường xuyên đổi mới sáng tạo, phát triên sản phẩm theo yêu cầu thị trường và nổi trội so với các sản phẩm cùng loại tại Anh.

Phạm Lương Bằng, Phạm Bình Minh, Lê Doãn Hợp, Bạch Thị Hân, Lê Anh Dũng