Trước thềm năm học mới 2024-2025, VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, tăng cường tự chủ đại học
- Thưa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ông có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm ngành GD-ĐT hướng đến trong năm học mới 2024-2025?
Năm học 2024-2025, cùng cả nước, ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới GD-ĐT.
Năm học mới, toàn ngành Giáo dục sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung triển khai nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện; Chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới.
Cùng đó, ngành Giáo dục tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, ngành sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động để triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trên cơ sở đó ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảm đảm tính khả thi và hiệu quả.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo - dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, bên cạnh đó xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.
- Những từ khóa được xác định cho năm học mới 2024-2025 là gì, thưa Bộ trưởng?
Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tập dượt, triển khai phạm vi rộng thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để tránh rủi ro
- Năm học 2024-2025 triển khai chương trình GDPT 2018 bước vào năm cuối hành trình đầu tiên; kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới. Bộ trưởng có thể cho biết chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cho năm học quan trọng này?
Sau 4 năm học triển khai theo từng lớp, từng cấp học, năm học 2024-2025, quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới, đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT.
Chặng đường đổi mới GDPT vừa qua dù có nhiều khó khăn, song cũng cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.
Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024. Tính ổn định lâu dài của quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong việc thực hiện.
Hiện, Bộ GD-ĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, do đó các Sở GD-ĐT đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
Năm nay, kế hoạch thời gian và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học đã được Bộ GD-ĐT ban hành từ sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn, các đơn vị chuyên môn, Bộ GD-ĐT cũng đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng của năm học mới 2024-2025.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao vị thế của nhà giáo
- Giải pháp cho vấn đề đảm bảo đội ngũ giáo viên về số lượng, chất lượng, cơ cấu ra sao, thưa ông?
Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn nhiều và ở hầu hết các địa phương.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới...
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội, tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Cùng đó, phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của T.Ư; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.
Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh; nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên; Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn... Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ.
- Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về tiến độ xây dựng dự án Luật Nhà giáo?
Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo ra sao cũng đóng vai trò quan trọng.
Từ nhận thức đó, trong thời gian dài qua, Bộ GD-ĐT tích cực chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho phép xây dựng một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo. Đến tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV. Đây là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận.
Ngày 27/8 vừa qua, hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
- Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, Bộ trưởng muốn nhắn nhủ, chia sẻ gì tới đội ngũ giáo viên, học sinh trên cả nước?
Kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu cao với GD-ĐT. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.
Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Chúc các thầy cô thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc cho các em học sinh, sinh viên có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!