Tôi và nhiều tân sinh viên khóa 19 Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường ĐH Quy Nhơn) ngày ấy không mấy ấn tượng khi mới gặp thầy Lê Từ Hiển. Đó là một người đàn ông độ chừng 35 tuổi với dáng người gầy, để râu, tóc dài như muốn phủ cả đôi mắt, hầu như hiếm khi mang thắt lưng.
Khám phá bản thân bằng quá trình tự nghiên cứu
Những tiết học đầu tiên của tuổi sinh viên chúng tôi bắt đầu từ thầy. Thầy nói nhanh và phát âm hơi khó nghe. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải tập trung cao độ để lắng nghe thầy giảng ở những buổi học sau.
Và rồi, chúng tôi cũng dần quen với phong cách của thầy. Từ đó, chúng tôi nhận ra, thầy Hiển có tâm hồn nghệ sỹ với vốn kiến thức rất rộng và sâu.
Sau này, tiếp bước thầy ở trường phổ thông, chúng tôi nhận ra rằng thầy rất linh hoạt trong phương pháp giảng dạy. Có lúc thầy say sưa, thả hồn bằng những câu chữ của thơ Đường hay du dương với tình yêu cao thượng và thánh thiện trong thơ Tagore. Nhưng có những tiết học thầy yêu cầu sinh viên phải tự giải mã thi pháp, giá trị của những tác phẩm tương tự. Mà muốn làm được điều này, sinh viên phải có ý thức tự nghiên cứu rất nhiều qua sách vở đồng thời phải thảo luận nghiêm túc trong tiết học.
Đôi khi, chúng tôi bị thầy mắng vì sự hiểu biết còn hạn hẹp, tinh thần tự học, tự nghiên cứu còn chưa cao. Ấy vậy nhưng, không ai giận thầy cả. Thậm chí, bản thân chúng tôi phải điều chỉnh lại phương pháp học tập ở môi trường mới của mình.
Những ngày tháng cuối cùng của thời sinh viên, chúng tôi được thầy thường xuyên đến dự những giờ tập giảng, được thầy tận tâm chỉnh sửa từng câu, tùng chữ rồi cả về phương pháp, phong cách dạy học.
Thầy thường đùa với chúng tôi rằng: Các anh các chị đã trưởng thành, đã hiểu biết nên khi dạy các anh các chị, tôi nói sao cũng được, đúng sai phải tự mà nhận thức. Còn sau này, các anh, các chị đi dạy phổ thông, học trò còn hạn chế về nhận thức nên phải chỉn chu trong từng lời nói, lời dạy của mình.
Ở thầy có sự uyên thâm về kiến thức. Ngoài giảng dạy ở khoa Ngữ văn, thầy còn tham gia giảng dạy tiếng Anh ở các trung tâm luyện thi.
Thầy Hiển có rất nhiều bài tiểu luận trên nhiều tạp chí và tờ báo khác nhau, trong đó có những bài chuyên sâu về thơ Đường của Trung Quốc, thơ ca Ấn Độ với Tagore, phong trào Thơ mới của thơ ca Việt Nam... Từ những bài viết này, chúng tôi có tư liệu bổ ích phục vụ cho công tác giảng dạy ở trường phổ thông.
Nhân một lần họp mặt kỷ niệm 10 năm ra trường, nói về việc viết lách, tôi bảo thầy: “Em cũng có bài viết trên tạp chí đó ạ”. Thầy hỏi lại: “Em là nhà báo à?”. “Dạ không, em làm giáo viên”. Nghe vậy, thầy mới tâm sự: "Là giáo viên dạy văn, phải đọc, phải viết để mài sắc ngọn bút. Viết để thoả mãn niềm đam mê, để học trò tin vào thầy và viết để có tiền uống cà phê nữa chứ”.
Trong tâm khảm của chúng tôi, thầy Hiển là một giảng viên nghiên cứu chuyên sâu về thơ phương Đông. Ấy vậy nhưng năm 2015, chúng tôi lại nhận được cuốn sách nghiên cứu phê bình Sergei Esenin - Tiến trình thơ ca Nga mà thầy là chủ biên. Thầy đã cho chúng tôi một bài học: sự học là vô bờ, phải biết khám phá bản thân bằng quá trình tự học, tự nghiên cứu.
Thầy Hiển còn được biết đến là một nhà thơ, với rất nhiều bài được đăng trên báo và tạp chí.
Ra trường và công tác tận Bình Phước, tôi chỉ gặp thầy vài lần khi lớp họp mặt tại Quy Nhơn. Tôi nhận thấy rằng, thời gian có thể làm cho tóc thầy bạc thêm, gương mặt nhiều nếp nhăn nhưng cốt cách, phong thái của thầy vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Chưa bao giờ, tôi và những người bạn cùng thời sinh viên nghe thầy nói về danh lợi, tiền tài, địa vị.
Với tôi, đó là người thầy yêu nghề, đam mê với nghề, thích khám phá, sáng tạo với tinh thần không bao giờ ngừng nghỉ.
Nguyễn Hồng Sơn (Chơn Thành, Bình Phước)
Những ngày này, nghề giáo lại trở thành tâm điểm của cả dư luận và nghị trường, khi những vấn đề muôn thuở như lương và những sự vụ phát sinh trong mối quan hệ giáo viên - học trò, giáo viên - phụ huynh đang gây bức xúc. Nhưng giữa muôn vàn thở than, ca thán, cả triệu giáo viên vẫn đang ngày ngày cặm cụi làm việc. Và vẫn còn đó ký ức về những người thầy "không thể quên", mà những người đã trải qua tuổi học trò luôn mang trong tim. VietNamNet xin mở một "góc nhỏ" - diễn đàn để độc giả chia sẻ về "Những thầy cô mãi trong tim tôi". Bài viết xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn . Xin chân thành cảm ơn! |