Dưới đây là kỷ niệm của độc giả Thanh Phương - giáo viên THCS tại Tiền Giang - gửi về diễn đàn "Những thầy cô mãi trong tim tôi".
Từ lớp 6-12 (giai đoạn năm 1994-2000), tôi học ở Trường Phổ thông trung học Trương Định tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Trong những thầy cô tôi may mắn được học, có thầy Nguyễn Đức Hoành, giáo viên Vật lý cũng là giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của tôi. Chính thầy đã cứu giúp, dạy dỗ tôi nên người, đưa một học sinh được coi là cá biệt trở thành giáo viên như hôm nay.
Lên lớp 6 (năm 1994), từ vùng quê xa xôi hẻo lánh lên thành thị xa hoa để đi học, tôi dần dần bị cám dỗ, bước chân vào con đường tập tành ăn chơi, hút chích, nhậu nhẹt…
Từ một học sinh khá giỏi, tôi dần dần học yếu, ham chơi hơn ham học, số ngày học trên trường ít dần, bỏ học nhiều hơn…
Bước ngoặt xuất hiện năm lớp 12, khi thầy Nguyễn Đức Hoành được giao chủ nhiệm lớp tôi - người thầy với dáng người thanh mảnh, mái tóc hoa râm, toát lên vẻ dứt khoát…
Năm lớp 12 đó, kiến thức môn Vật lý của tôi đã mất căn bản một phần, tôi cũng không có ý định tiếp tục học nếu không có thầy Hoành - người đã cảm hóa tôi.
Thầy dạy nghiêm túc và nghiêm khắc. Một điều mà tôi cũng cảm thấy kỳ lạ là ngay từ tiết đầu tiên, tôi đã bắt đầu thích học Vật lý.
Những tiết dạy của thầy không chỉ là kiến thức bộ môn mà còn là những bài học về cuộc sống được chuyển tải với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm và hết sức thuyết phục. Dần dần, tôi cảm nhận tấm lòng cao cả của thầy. Tôi chuyển mình hơn, nghiên cứu bài một cách tích cực hơn, không còn ý định bỏ học.
Chỉ sau một vài tiết, thầy biết tôi và các bạn đã hổng nhiều kiến thức, nếu vẫn giữ đà này sẽ thi đại học khó đạt. Do đó, thầy yêu cầu chúng tôi tự sắp lịch đến nhà để thầy bổ sung kiến thức để thi đại học, đưa sách hay cho chúng tôi ôn luyện và đương nhiên, thầy không lấy một đồng nào, tất cả đều miễn phí.
Tôi vẫn nhớ như in ngày 20/11 năm đó, tập thể lớp chuẩn bị hoa, tặng phẩm… để chúc mừng thầy chủ nhiệm và giáo viên khác.
Tuy nhiên, sau khi biết, thầy đã nói một câu khiến tôi và các bạn nhớ mãi: “Các em chưa làm được ra tiền, phải xin ba mẹ, ba mẹ của các em cũng rất vất vả. Thầy sẽ không nhận bất cứ cái gì các em mua bằng tiền của ba mẹ. Các em ngoan, học giỏi, thành đạt chính là phần quà quý nhất dành tặng thầy cô rồi đó”.
Nhiều bạn lớp tôi đã rơm rớm nước mắt vì câu nói và tấm lòng trong sáng của thầy.
Thầy luôn răn dạy chúng tôi không được tham lam, phải cố gắng sống thanh cao, trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
Chính nhờ những bài dạy hay, những bài học về cuộc đời thầy kể, bản thân tôi đã cảm nhận và thay đổi. Tôi bắt đầu yêu thích môn Vật lý và cố gắng học các môn khác để không phụ tấm lòng thầy.
Tôi đã chọn đi con đường sư phạm, đúng bộ môn Vật lý của thầy. Ra trường, đi dạy được 1, 2 năm thì hay tin thầy Hoành mất vì bạo bệnh, tôi hụt hẫng, đau buồn vô cùng. Tôi vẫn nợ thầy lời cám ơn và xin lỗi về những điều làm thầy buồn, những lúc nghịch ngợm, quậy phá tuổi học trò.
Hiện nay, tôi đã là giáo viên Vật lý bậc THCS được hơn 20 năm. Chưa thể nói là thầy giáo giỏi nhưng tôi có thể tự nhận là mẫu mực, luôn cố gắng hết mình vì học sinh.
Và có những điều tôi vẫn nhớ như in, đó là lời căn dặn, cái vỗ vai, hay cả sự răn đe nghiêm khắc của thầy khi học trò mắc lỗi, là yêu thương cả học sinh được coi là “cá biệt”, nghịch ngợm, bất cần… Thầy chính là người cha, người mẹ thứ hai của tôi và những thế hệ học sinh từng được học thầy.
Thanh Phương
Những ngày này, nghề giáo lại trở thành tâm điểm của cả dư luận và nghị trường, khi những vấn đề muôn thuở như lương và những sự vụ phát sinh trong mối quan hệ giáo viên - học trò, giáo viên - phụ huynh đang gây bức xúc. Nhưng giữa muôn vàn thở than, ca thán, cả triệu giáo viên vẫn đang ngày ngày cặm cụi làm việc. Và vẫn còn đó ký ức về những người thầy "không thể quên", mà những người đã trải qua tuổi học trò luôn mang trong tim. VietNamNet xin mở một "góc nhỏ" - diễn đàn để độc giả chia sẻ về "Những thầy cô mãi trong tim tôi". Bài viết xin gửi bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! |