Những ngày này, nghề giáo lại trở thành tâm điểm của cả dư luận và nghị trường, khi những vấn đề muôn thuở như lương và những sự vụ phát sinh trong mối quan hệ giáo viên - học trò, giáo viên - phụ huynh đang gây bức xúc.

Nhưng giữa muôn vàn thở than, ca thán, cả triệu giáo viên vẫn đang ngày ngày cặm cụi làm việc. Và vẫn còn đó ký ức về những người thầy "không thể quên", mà những người đã trải qua tuổi học trò luôn mang trong tim.

VietNamNet xin mở một "góc nhỏ" - diễn đàn để độc giả chia sẻ về "Những thầy cô mãi trong tim tôi". Bài viết xin gửi bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! 

Dưới đây là kỷ niệm của thầy giáo Nguyễn Tăng Vũ (Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) về người thầy mà anh vô cùng kính trọng.

Từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến khi ra đi làm, tôi gặp nhiều thầy cô. Các thầy cô có cách dạy, phong cách khác nhau, có người khó tính, có người dễ chịu. Tất nhiên vì là học sinh chuyên toán nên tôi hay gặp, làm việc trực tiếp với các thầy dạy toán. 

Tuy nhiên lần này tôi không nói về thầy dạy toán, mà là về thầy Đỗ Tất Thắng - thầy chủ nhiệm lớp 9 của tôi ở Trường THCS Nguyễn Nghiêm (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Thầy được các thế hệ học sinh đặt biệt danh “Bố già Nguyễn Nghiêm”.

Thầy Thắng dạy 2 môn Hóa và Sinh. Thầy là ba của anh Hải, người mà tôi quen từ lớp 5. 

Từ khi vào trường, dù chưa được học thầy, nhưng tôi nghe các anh chị cựu học sinh hay các anh chị khóa trên đều kể về thầy khá nhiều, thường gọi thầy là “Bố”. Lúc đầu tôi cũng thấy lạ, nhưng sau này thì hiểu tại sao thầy được gọi như vậy. 

Lần đầu gặp thầy, nhìn thầy ngầu lắm, pha chút nghiêm khắc. Thầy khiến mấy đứa học trò mới vào trường như tôi cũng rén, mặc dù lì với người khác nhưng gặp thầy thì khép nép. Trong mấy dịp lao động, cắm trại, thầy thường là người chỉ huy mọi người làm việc khẩn trương và đúng quy định. 

Dù ban đầu chưa học thầy, nhưng tôi vẫn gặp khi thầy đi coi thi học kì. Giờ thầy coi thi đố đứa nào dám giở trò. Lúc đó, thầy là người rất nghiêm khắc, sẵn sàng trừng trị học sinh nào vi phạm nội quy. 

Tôi lên lớp và ngày càng có nhiều việc làm việc với thầy, như mấy lần thi đố vui để học, đi thi học sinh giỏi huyện... Càng ngày tôi càng hiểu thầy hơn. Không trực tiếp dạy, nhưng thầy luôn bên cạnh và động viên các học sinh, người đứng sau mỗi khi tôi và các anh chị chiến thắng hay thất bại trong các kì thi.

Năm học lớp 8, khi tôi thi học sinh giỏi tỉnh, cả đoàn không có ai đậu. Tôi chắc là thầy rất thất vọng, nhưng chưa bao giờ nghe thầy trách mắng nửa lời. 

"Bố già Nguyễn Nghiêm” và thầy giáo Nguyễn Tăng Vũ trong một lần gặp gần đây

Năm lớp 9, tôi lại được thầy chủ nhiệm. Đây có lẽ là lúc là lúc tôi học được nhiều từ thầy. Không chỉ qua các bài giảng hay, tận tâm của một người thầy dạy lâu năm, mà từ những lời nhắc nhở, lời dạy bảo chân thành từ thầy. 

Lớp tôi rất quậy, có nhiều chuyện xảy ra, nhưng dù bên ngoài trông rất nghiêm khắc và khó tính, bên trong thầy là người nồng ấm, thương yêu học trò. Thầy không bao giờ la mắng, hay nói những câu đụng chạm tự ái học sinh, mà hay kể những câu chuyện, cho những lời khuyên về cách đối nhân xử thế phù hợp, tôn trọng nhau. Thầy hiểu và thông cảm cho những hành động sai của tuổi học trò. 

Những lúc chúng tôi đi làm việc, đi chơi, đi thi, thầy luôn nhắc nhở và cho lời khuyên bổ ích. Thầy cũng dẫn bọn quậy phá chúng tôi đi chơi biển, một việc ít người khác dám làm, đó là kỉ niệm khó quên của bọn tôi với thầy. 

Thời gian dần trôi, qua những giờ sinh hoạt lớp, chúng tôi ngày càng trưởng thành hơn, biết suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, vì biết rằng luôn có một chỗ dựa - một người thầy luôn tin tưởng chúng tôi, đứng sau những thành công và luôn dõi theo những bước đường chúng tôi đi. Một người Thầy rất nghiêm khắc, nhiều tình yêu trẻ, đầy lòng vị tha. 

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao các anh chị học sinh luôn gọi thầy là Bố. 

Nguyễn Tăng Vũ (giáo viên Toán - Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM)