Cuối tháng 2 vừa qua, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị tai nạn khi đang lưu diễn ở Mỹ khiến chân chảy rất nhiều máu phải cấp cứu. "Mọi người lập tức đưa tôi vào bệnh viện. Tiền viện phí ở Mỹ nghe mà muốn xỉu luôn", nam ca sĩ chia sẻ. Sau đó, anh đã quyết định về Việt Nam chữa trị. 

Nền y tế Mỹ nổi tiếng với chất lượng cao và công nghệ hàng đầu nhưng kèm theo là viện phí đắt đỏ bậc nhất thế giới. Theo thống kê, 41% dân số Mỹ đang có một khoản nợ y tế. Hàng triệu người trì hoãn đi khám chữa bệnh vì không kham nổi chi phí. Bảo hiểm y tế là con đường duy nhất giúp giảm gánh nặng nhưng đôi khi cũng không trả hết mọi khoản. 

VietNamNet đăng tải loạt bài viết "Chi phí y tế đắt không tưởng ở Mỹ" chia sẻ góc nhìn về vấn đề viện phí ở Mỹ so sánh với một số nước phát triển khác trên thế giới cùng những hoàn cảnh éo le của người bệnh tại đây. 

Bài 2: Phá sản vì viện phí

Bài 3: Tại sao hàng triệu người Mỹ đổ xô ra nước ngoài chữa bệnh?

Bài 4: Lý do viện phí ở Mỹ có giá đắt không tưởng, vượt xa các nước giàu

VIỆN PHÍ 'KHỦNG' DÙ MẮC BỆNH ĐƠN GIẢN

Mới đây, Alex Nguyễn, một TikToker người Việt có 172.000 lượt người theo dõi đã chia sẻ về trải nghiệm y tế ở nước Mỹ. Video có 2,5 triệu lượt xem của anh kể về một lần vào viện tư chữa bệnh: “Mình bị viêm amidan, vào viện lúc 10h nằm tới 15h, người ta truyền thuốc, truyền nước; thuốc giảm đau thôi chứ hôm đó, họ không chữa trị gì hết. Sau đó, họ đưa cho mình hóa đơn 10.000 USD. Riêng khoản tiền họ nhận mình vào nằm phòng đó trong 5 tiếng là 8.000 USD, tiền thuốc là 2.000 USD”.

Khi nhận hóa đơn, Alex choáng váng dù đã xác định phải trả nhiều tiền nhưng anh nghĩ chỉ khoảng 1.000-2.000 USD. 

Chàng trai hiện sống ở Mỹ bày tỏ y tế nước Mỹ quá đắt đỏ khiến người dân rất đau đầu. Ở thành phố Chicago, nơi Alex Nguyễn đang ở, một lần gọi xe cứu thương là 3.000 USD (khoảng 74 triệu đồng). 

Những trường hợp bất ngờ vì viện phí cao khó tin dù hầu như không được chữa trị gì như Alex Nguyễn không hề hiếm. Hóa đơn bệnh viện ở Mỹ ngày nay tràn ngập những khoản phí không tồn tại ở các quốc gia khác. Nhưng có lẽ gây sốc nhất là “phí ứng phó chấn thương” từ 1.000 tới 60.000 USD. 

dieu tri 1.jpg
Bức ảnh chụp bé Park Jeong Whan cùng bố vào năm 2018 - 2 năm sau khi gặp sự cố ở Mỹ. Ảnh: Vox

Một vụ ầm ỹ liên quan tới khoản phí trên xảy ra vào năm 2016. Trong buổi sáng đầu tiên của kỳ nghỉ tại San Francisco (Mỹ), Park Jeong Whan, 8 tháng tuổi, ngã khỏi giường khách sạn và bị đập đầu. Cậu bé người Hàn Quốc không chảy máu nhưng khóc liên tục. 

Mẹ của bé là Jang Yeo Im lo lắng con trai bị thương bên trong nên đã gọi 911 đưa đến Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco (SFGH).

Các bác sĩ nhanh chóng xác định bé Park Jeong Whan chỉ bị bầm tím một chút ở mũi và trán. Bé chợp mắt trong vòng tay mẹ, uống ít sữa bột và xuất viện vài giờ sau đó với tình trạng sức khỏe ổn định. Gia đình tiếp tục kỳ nghỉ và nhanh chóng quên về sự cố.

Hai năm sau, hóa đơn được gửi tới nhà Jang Yeo Im: Họ nợ bệnh viện hơn 18.800 USD cho chuyến thăm khám kéo dài 3 giờ 22 phút. Khoản phí lớn nhất trị giá 15.666 USD được dán nhãn “ứng phó chấn thương”. 

“Đó là một số tiền rất lớn đối với gia đình tôi. Nếu con tôi được điều trị đặc biệt đã đành. Họ chẳng làm gì cho con trai tôi cả. Tại sao tôi phải thanh toán hóa đơn?”, Jang bày tỏ. Bảo hiểm du lịch của gia đình chỉ thanh toán 5.000 USD. 

vien phi 1.jpg
Viện phí của Park Jeong Whan bao gồm 15.666 USD tiền ứng phó chấn thương. Ảnh: Vox

Dù vết thương không cần chăm sóc y tế nhiều, một thanh niên Mỹ cũng bị tính phí ứng phó chấn thương lên tới 22.550 USD khi đến Trung tâm Y tế Queen of the Valley ở California. 

Xe cấp cứu đưa anh đến trung tâm chấn thương sau vụ tai nạn xe máy. Hồ sơ cho thấy anh tỉnh táo với các dấu hiệu sinh tồn bình thường trong suốt chặng đường hơn 6km tới bệnh viện. Khi đến nơi, bác sĩ xác định Sam có một vết cắt nhỏ trên đầu, không cần chụp X-quang hay xét nghiệm máu. Anh luôn tỉnh táo và chỉ cần uống một viên Ibuprofen, truyền nước và xuất viện nửa giờ sau đó. 

Tổng viện phí của Sam Hausen gần 27.000 USD bao gồm 22.550 USD phí ứng phó chấn thương. 

ung pho.jpg
Sam Hausen phải chi trả 22.550 USD phí ứng phó chấn thương. Ảnh: Vox

Ngay cả khi đã mua bảo hiểm y tế, người dân Mỹ cũng có thể đối mặt với tình huống éo le. 

Alexa Sulvetta, một y tá 30 tuổi, bị vỡ mắt cá chân khi tập luyện tại phòng gym ở San Francisco. Cô được xe cấp cứu đưa đến Bệnh viện Đa khoa San Francisco. “Tôi đã được tiêm morphine trong xe cứu thương”, cô nhớ lại. Hậu phẫu, cô xuất viện vào ngày hôm sau.

Viện phí của Sulvetta là 113.000 USD bao gồm phí ứng phó chấn thương 15.666 USD. Công ty bảo hiểm cho rằng viện phí cho một ngày nằm viện như vậy quá cao và chỉ đồng ý trả một khoản tiền nhất định. Sulvetta phải tự nộp hơn 31.000 USD. 

“Vợ chồng tôi đã nghĩ đến việc mua nhà nhưng buộc phải trì hoãn vì có thể cần phải sử dụng tiền tiết kiệm cả đời để thanh toán hóa đơn này”, Sulvetta ngậm ngùi. 

KHOẢN PHÍ GÂY TRANH CÃI

Phí ứng phó chấn thương được Mỹ phê duyệt vào năm 2002 để trang trải chi phí huy động nhân viên y tế, duy trì vận hành các trung tâm chấn thương. Trong 20 năm qua, các cơ sở y tế đang thực hiện những cách tiếp cận khác nhau, với mức phí chênh lệch rõ rệt. 

Theo CNN, các bệnh viện có thể tính phí ứng phó chấn thương nếu tập hợp một ê-kíp gồm các bác sĩ và y tá sau khi đội cứu thương cho biết bệnh nhân cần được chăm sóc ngay lập tức vì nguy cơ đe dọa tính mạng. Ngay cả khi ê-kíp trên không tác nghiệp, bệnh nhân vẫn phải trả tiền. 

Tiến sĩ Daniel Margulies, bác sĩ phẫu thuật chấn thương ở Los Angeles, cho biết các hướng dẫn ứng phó chấn thương nhằm mục đích đảm bảo không bỏ sót bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào. Ví dụ, thương tích bên trong có thể khó chẩn đoán tại hiện trường vụ tai nạn.

chi phi y te.jpg
Chi phí y tế bình quân đầu người ở một số nước năm 2021 (USD). Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Pat Palmer, đồng sáng lập của Beacon Healthcare Costs Illuminated, chuyên gia phân tích hàng nghìn hóa đơn cho các công ty bảo hiểm và bệnh nhân, đánh giá: “Chúng tôi nhận thấy khá nhiều khoản phí ứng phó chấn thương không phù hợp”. 

Tỷ lệ các trường hợp trả phí ứng phó chấn thương ở Florida mà không cần nhập viện đã tăng từ 22% năm 2012 lên 27% vào năm 2020. Tại Trung tâm Y tế Broward, đã có 1.285 trường hợp trả phí ứng phó chấn thương vào năm 2019 mà không cần nhập viện - gần bằng con số phải nhập viện.

Các bệnh viện bắt đầu tính phí ứng phó chấn thương cho các công ty bảo hiểm từ năm 2008. Tuy nhiên, việc hoàn trả rất phức tạp. Beth Morgan, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Medical Bill Detectives, cho biết: “Đôi khi các công ty bảo hiểm không trả các khoản phí đó. Bệnh nhân sẽ bị mắc kẹt với hóa đơn”. 

cham soc khan cap.jpg
Các chi phí tạm tính, có thể thay đổi theo thời gian và từng khu vực. Đồ họa: Internationalinsurance

Các trung tâm xác định những bệnh nhân chấn thương cần cấp cứu gồm tai nạn giao thông, ngã từ trên cao, bị súng bắn, đâm. Hiện nay, té ngã chiếm một phần đáng kể trong các trường hợp được xác định khẩn cấp nhưng thực tế không phải ca bệnh nào cũng đối mặt với nguy hiểm. 

Do đó, những bệnh nhân như Jeong Whan, Alexa Sulvetta và Sam Hausen phải gánh khoản nợ hàng chục nghìn USD cho dịch vụ mà họ không yêu cầu hoặc không cần. 

Vào thời điểm xe cứu thương đến, Jeong Whan đang “bò trên giường, không có vẻ gì nguy kịch cả”. Dù vậy, sau khi tham khảo ý kiến ​​bác sĩ, các nhân viên cấp cứu xác định Jeong Whan là bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt, có thể do em còn nhỏ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco, Jeong Whan được y tá đánh giá sơ bộ và đưa đến Khoa Hồi sức cấp cứu. Bệnh nhi được xuất viện với giấy chứng nhận sức khỏe bình thường sau khi ở bệnh viện hơn 2 giờ. 

Gia đình bệnh nhi trên đã cố gắng thương lượng hóa đơn với bệnh viện vì lo ngại khoản nợ y tế đang chờ xử lý có thể khiến họ không thể xin được visa quay trở lại Mỹ. 

“Tôi thích nước Mỹ. Có rất nhiều thứ để xem khi đi du lịch. Nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ rất tệ”, Jang Yeo Im - mẹ của Jeong Whan, bày tỏ. 

Ban Mai

Phá sản vì viện phíMỸ - Khoảng 41% số người Mỹ đang mắc một khoản nợ liên quan tới viện phí, nhiều trường hợp phải nộp đơn phá sản. Tình cảnh đặc biệt khó khăn với những người không có bảo hiểm y tế.