Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại cụm di tích đền thờ Nam Hải đại vương và chùa Đào Lạng (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), các hạng mục đều đã xuống cấp.

Đền thờ Nam Hải đại vương bị nứt dọc các gian, một số cánh cửa đã hỏng, buộc phải thay mới nên không còn giữ được sự cổ kính.

Cụm di tích đền - chùa Đào Lạng 

Tại nơi thờ chính của chùa Đào Lạng cũng có nhiều hạng mục xuống cấp. Nghiêm trọng nhất là phần mái, các thanh gỗ, luồng lợp đã rời hết ra.

Theo người dân địa phương, khoảng 1-2 năm gần đây, mỗi khi trời mưa là chùa lại bị dột nước lênh láng. Nhà chùa không dám cho người dân vào làm lễ do sợ phần mái có thể sập xuống.

Bên trong di tích xuất hiện nhiều vết nứt.

Thượng tọa Thích Quảng Bá, Ủy viên trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Nghĩa Hưng, trụ trì chùa Đào Lạng, cho biết, cụm di tích đã xuống cấp nặng nề, khó có thể sửa chữa, tu bổ.

Trong vòng 30 năm nay, đền thờ Nam Hải đại vương được tu bổ 3 lần vào các năm 1993, 1999 và 2020. Do móng của ngôi đền được xây dựng từ ngày xưa nên khi tu bổ quá nhiều, bê tông cốt thép được đưa lên phần mái đã khiến ngôi đền bị nứt tường ở 3 gian, có thể sập bất cứ lúc nào.

Chùa bị dột khi trời mưa, người dân phải mang chậu vào hứng nước.

Trong khi đó, chùa cũng được tu bổ, đảo ngói nhiều lần. Nếu sửa chữa, nâng cấp thêm, nhiều khả năng các trụ, cột ở dưới sẽ không chịu được.

“Sắp tới, tỉnh có một dự án hỗ trợ để sửa chữa, tôn tạo lại di tích lịch sử, văn hóa. Tôi đang làm hồ sơ để xin dự án này cho chùa, tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng”, Thượng tọa Thích Quảng Bá cho biết.

Tuy nhiên, theo vị trụ trì chùa Đào Lạng, do di tích chưa có sổ đỏ nên nhiều khả năng không thể xin được dự án.

Thượng tọa Thích Quảng Bá giải thích, trước đây, có một cặp vợ chồng mượn đất của chùa để ở nhờ, đến khi họ mất đi phải trả lại đất cho chùa. Tuy nhiên, sau khi họ mất đi, mảnh đất đó để lại cho 2 người con. Hiện nay, nhà chùa đã vận động được một người con trả lại đất cho chùa, người còn lại vẫn bám trụ.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Hải Triều, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái xác nhận, chùa Đào Lạng không có sổ đỏ do chưa đủ điều kiện được cấp. “Chúng tôi đang làm việc với nhà chùa về vấn đề này”, ông Triều nói.

Chùa Đào Lạng được xây dựng cách đây khoảng 300 năm. Năm 2003, UBND tỉnh Nam Định công nhận đây là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.