XEM CLIP:

Chùa Long Cảm tọa lạc trên sườn núi Ốc Sơn thôn Trang Các, thị trấn Hà Trung. Ngôi chùa được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ, trải qua hàng nghìn năm ngôi chùa vẫn lưu giữa được những tấm bia đá cổ. Đây cũng được xem là ngôi chùa cổ bậc nhất xứ Thanh.

Ni sư Thích Đàm Quang, người đã 35 năm trụ trì tại ngôi chùa Long Cảm cho biết, theo sử sách ghi lại, vào năm 1020, trên đường đi chinh phục đất phương Nam, vua Lý Thái Tổ đã cùng đoàn quân của mình đóng quân trên núi Ốc Sơn.

Đêm đến nhà vua nằm mộng thấy vị thần linh ở núi hiện đến và hứa sẽ trợ lực cho nhà vua trong cuộc tiến quân này. Công cuộc chinh phục phương Nam thắng lợi. Về tới Kinh Đô, nhớ lại sự tích trên và để trả ơn vị thần linh giúp sức, vua Lý Thái Tổ đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa, lấy tên Long Cảm. 

Cổng chùa.

Trải qua hàng nghìn năm, chùa Long Cảm nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, dấu tích thời Lý vẫn còn lưu giữ tại ngôi chùa cổ. Đó là 4 cột đá ở hiên chùa chính, bên trên khắc chữ Hán cổ. 

Ngoài ra, bên trong ngôi chùa còn có nhiều “báu vật” khác có giá trị như chuông đồng, bia ký… đều mang dấu tích thời Lý - Trần.

Cung chính của chùa Long Cảm.

Theo sư Thích Đàm Quang, ở ngôi chùa này có một khánh đá cổ. Khánh đá này không giống như những khánh đá khác, chỉ cần lấy tay gõ nhẹ vào khánh đá, nó cũng phát ra âm thanh. Khi dùng vồ gỗ gõ vào, tiếng kêu và ngân xa như tiếng chuông đồng.

Cột đá có chữ Hán còn nguyên trạng từ ngày xây dựng chùa.

Đặc biệt, ấn tượng nhất là cặp khánh đá cổ đặt ở sân chùa. Hai chiếc khánh rất lớn, nặng đến hàng chục người khiêng, cùng màu đá xanh xám, được treo trên các trụ đá và đặt song song nhau.

“Ở chùa có hai khánh đá đứng bên nhau, tuy nhiên chỉ có một khánh đá phát ra âm thanh như tiếng chuông đồng. Khánh đá còn lại có kích thước to hơn một chút, dù gõ mạnh đến mấy cũng chỉ phát ra tiếng lạch cạch”, sư Đàm Quang cho hay.

Hai chiếc khánh đá đựng song song, tuy nhiên chỉ có một cái phát ra âm thanh như tiếng chuông đồng.

Điểm khác của hai khánh đá này là một chiếc có hoa văn chạm trổ hình đám mây. Một chiếc đơn thuần là phiến đá lớn tạc hình bán nguyệt được làm phẳng. 

Sư Thích Đàm Quang đang gõ khánh đá.

Căn cứ vào các thư tịch cổ và văn tự khắc trên đôi khánh đá, các nhà nghiên cứu lịch sử đều có chung nhận định, chúng không có chung nguồn gốc cũng như niên đại.