- Bố chồng tôi mất năm 1995, mẹ chồng tôi có đứng tên trên sổ đỏ cấp ngày 25/05/2006. Nhưng hiện nay mẹ chồng tôi đã mất và sổ đỏ gốc cũng bị thất lạc không tìm thấy. Diện tích đất trên sổ đỏ là 300m2, đó là đất bố mẹ tôi mua của nhà nước, đã đóng tiền đầy đủ, được giao đất hợp pháp. Mẹ tôi mất năm 2007, trước khi mất mẹ chồng tôi có viết di chúc để lại cho chồng tôi 200m2 và con trai chúng tôi 100m2. Chồng tôi có 1 chị gái, 1 em gái. Vậy chồng tôi cần làm những thủ tục gì, giấy tờ gì để đứng tên trên sổ đỏ? Mong luật sư hồi đáp.

{keywords}
Sổ đỏ thay đổi thế nào nếu người đứng tên mất? (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Điều kiện để nhận thừa kế quyền sử dụng đất.

Luật đất đai 2013, Điều 188  quy định:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”

Theo quy định trên thì quyền sử dụng đất trong trường hợp của bạn chỉ được để lại thừa kế khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, trước khi giải quyết vấn đền thừa kế trên, bạn phải làm thủ tục xin cấp  lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất.

Thứ hai: Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất. 

Theo quy định trên thì quyền sử dụng đất trong trường hợp của bạn chỉ được để lại thừa kế khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, trước khi giải quyết vấn đề thừa kế trên, bạn phải làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên theo thủ tục quy định tại điều 77 Nghị định 43/2014/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai 2013.

Điều 77. Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất

“1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”

Mẹ chồng của bạn mất có để lại di chúc, nếu di chúc đó là hợp pháp theo quy định Điều 652 Bộ luật Dân sự thì mảnh đất trên sẽ được chia theo di chúc. Chồng bạn muốn đứng tên mảnh đất trên thì con bạn thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế, chồng bạn sẽ là người thừa kế duy nhất, và thực hiện việc khai nhận thừa kế tại tổ chức công chứng trong phạm vi có bất động sản. 

Thứ ba: Thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

- Chủ thể tiến hành: Chồng bạn và những người được hưởng di sản thừa kế. Trường hợp bà bạn có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (là: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động) thì chủ thể tiến hành khai nhận di sản thừa kế ngoài chồng bạn ra còn có những người này, hoặc người đại diện theo pháp luật của họ (đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự).

- Cơ quan tiến hành: Bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

- Bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở;

+ Giấy chứng tử của bà bạn;

+ Di chúc;

+ Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;

+ Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh).

- Thủ tục:

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Luật Công chứng 2014, Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản

1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.

* Thủ tục sang tên người được hưởng di sản trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Chủ thể tiến hành: Chồng bạn và những người được hưởng di sản khác nếu có.

- Cơ quan tiến hành: Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

- Hồ sơ: bản chính văn bản khai nhận thừa kế có công chứng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân của người hưởng di sản, giấy chứng tử, di chúc …).

- Thủ tục: Thực hiện theo Điều 79 Nghị Định 43/2014/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất Đai 2013.

Trên đây là thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc. Trong trường hợp di chúc của bà bạn không hợp pháp thì những người thừa kế sẽ tiến hành khai nhận di sản theo pháp luật. Trình tự, thủ tục như đã trình bày ở trên nhưng những người tiến hành sẽ là những người thừa kế theo pháp luật của bà bạn, gồm: Hàng thừa kế thứ nhất là: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự).

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc