Tăng 24% trong nửa tháng

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận phiên giao dịch ngày 2/12 tăng mạnh nhất châu Á, với chỉ số VN-Index tăng 4,22%. Toàn bộ 30 cổ phiếu trụ cột trên thị trường - nhóm VN30 - đều tăng mạnh, trong đó có 8 mã tăng trần, gồm: 3 mã ngân hàng (Vietinbank, Sacombank, VIBank), 3 mã bất động sản (Vinhomes, Phát Đạt, Nhà Khang Điền), 1 mã chứng khoán: SSI và 1 mã thép: HPG.

VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất, với mức tăng 43,73 điểm (+4,22%) lên trên 1.080 điểm. Đây là mức tăng mạnh nhất trong gần 7 tháng qua.

Như vậy, kể từ đáy 873 điểm ghi nhận vào sáng 16/11, chỉ số VN-Index đã hồi phục được gần 24%. Vốn hóa tăng thêm hàng chục tỷ USD. Thị trường tăng mạnh trở lại sau khi sụt giảm xuống đáy 2 năm.

VN-Index hồi phục mạnh mẽ. (Nguồn: TradingView)

Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 20.409 tỷ đồng, cao hơn mặt bằng chung trước đó. Khối ngoại tiếp tục mua vào mạnh, với hơn 2.200 tỷ đồng trong phiên 2/12, nâng tổng giá trị cổ phiếu khối này mua ròng lên trên 20.230 tỷ đồng kể từ đầu tháng 11. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử.

Khối ngoại mua ròng tập trung vào các mã: HPG, VHM, STB, VIC, CTG, MSN, VNM, SSI,  VCB.

Thời gian qua, Dragon Capital, VinaCapital,... đã giải ngân trở lại. Dòng vốn đổ mạnh qua kênh ETF và có thể mạnh lên trong tháng 12, khi quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) - Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính Đài Loan thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4, với số vốn lên đến 160 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng). 

Gần đây, có nhiều tín hiệu tốt cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp vẫn hút được dòng vốn ngoại cho hoạt động kinh doanh như trường hợp của Masan, VIBBank, Vingroup, VPBank, Đất Xanh,...

Trên thế giới, đồng USD có dấu hiệu điều chỉnh sau khi tạo đỉnh. Trong khi đó, Trung Quốc tung ra các chính sách hỗ trợ bất động sản và phát tín hiệu mở cửa nền kinh tế khi tăng cường tiêm vaccine Covid-19 bổ sung.

Khối ngoại đã đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 20.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 11 tới 2/12. (Biểu đồ: M. Hà)

Triển vọng 2023 tích cực

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VnDirect, kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023.

Theo đại diện của VnDirect, trong những tháng đầu năm 2023, TTCK được dự báo tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn. Song, đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.

Còn ở nửa cuối năm 2023, đà tăng sẽ vững chãi trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước trở nên “bớt diều hâu”, qua đó sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. TTCK, đặc biệt là các TTCK mới nổi, sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ trước 4-6 tháng.

Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hàng đầu trong khu vực. (Nguồn: VND, BLB)

Tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối 2023 nhờ lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. 

Tại ngày 22/11/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức 10 lần P/E trượt, thấp hơn 43% từ đỉnh 2022 và thấp hơn 36% so với trung bình định giá 5 năm (15,6 lần P/E). Đây là mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-2024.

Nhiều tổ chức, trong đó có quỹ Fubon lạc quan với yếu tố vĩ mô ổn định của Việt Nam và cho rằng, có những tín hiệu tích cực theo khía cạnh kỹ thuật. 

Hiện các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tốt. GDP tăng trưởng cao, lạm phát tháng 11 chỉ ở mức 4,37% (so cùng kỳ). Xuất khẩu thặng dư lớn, FDI tiếp tục ở mức cao.