Bất lợi, thiệt thòi

Bài viết cũng chỉ ra chỉ ra các điểm yếu, điểm mạnh và chưa bình đẳng trong chính sách đối với các khu vực doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, doanh nghiệp FDI được tạo thuận lợi, còn doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản nên không lớn lên được.

Vốn FDI đăng ký đến năm 2022 lên đến khoảng 438,7 tỷ USD, trong đó 274 tỷ USD đã được giải ngân. Khu vực này chiếm hơn 20% GDP, hơn 75% kim ngạch xuất khẩu, 65% kim ngạch nhập khẩu, 55% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội... 

Nhưng có gần 83% doanh nghiệp vốn dưới 100 tỷ đồng, 1/4 doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp dưới 3 tỷ đồng và 77,8% doanh nghiệp dưới 100 tỷ đồng.

Trong khi đó, cả nước chỉ có gần 900.000 doanh nghiệp đăng ký chính thức nhưng lại có tới 70% doanh nghiệp là siêu nhỏ, hơn 25% là nhỏ, 2,6% là và thiếu vắng đội ngũ doanh nghiệp vừa. Điều này còn cho thấy doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là khu vực tư nhân phần lớn nhỏ lẻ, manh múm nên năng lực đầu tư sản suất và kinh doanh còn khá thấp.  

img 3143.jpg
Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo thống kê, khu vực doanh nghiệp nói chung tạo khoảng 15 triệu việc làm, thì riêng doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 60%, doanh nghiệp FDI chiếm 35%. 

Xét về kinh doanh, 50% doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi, 80% doanh nghiệp nhà nước có lãi, chỉ khoảng 40% doanh nghiệp tư nhân có lãi. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế với doanh nghiệp tư nhân khá thấp, chỉ bằng 40-50% so với khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân trong nước tạo ra việc làm nhiều nhất nhưng mức sinh lời lại thấp nhất.  

Nhìn chung, khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước có nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh do tiếp cận đất đai, nguồn vốn và thủ tục hành chính thuận lợi hơn doanh nghiệp tư nhân. 

Kể cả ưu đãi về chính sách thuế, nhiều tập đoàn nước ngoài chỉ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2,75-5,95%. Ngoài ra, một khi có các trở ngại hay khó khăn nêu ra liền được ưu tiên giải quyết, ít chịu các cuộc thanh kiểm tra nhiều như các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Số doanh nghiệp trong nước đủ tiềm lực vươn ra thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn còn lại có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên chưa có khả năng tận dụng cơ hội của hội nhập. 

Đây có thể là nút thắt với doanh nghiệp tư nhân, họ thua thiệt trong các hoạt động.

Thử quan sát không khó nhận ra hầu hết doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nắm giữ chi phối trong các ngành chủ lực như dầu khí, khai thác than, điện lực, viễn thông, cấp nước, xăng dầu, ngân hàng… Đó là các lĩnh vực hấp dẫn và có khả năng sinh lời tốt nhất mà rất ít doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận, xảy ra mất cân bình đẳng.    

Nước ta những năm qua đạt thành tựu trên nhiều lĩnh vực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Song, so sánh chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn kém hơn so với nhiều nước khác.

Một sân chơi bình đẳng, chuyên nghiệp

Cần tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi để thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân vươn ra sân chơi thế giới sẽ tạo thêm cơ hội, động lực cạnh tranh, nâng tầm quốc tế cho đất nước. Nhờ đó, nền kinh tế lớn mạnh lên sẽ kéo theo nhiều mối quan hệ khác trong hợp tác, xuất khẩu hàng hóa, thu hút nguồn lực. 

Tham gia sân chơi thế giới thành công, đặc biệt trong kỷ nguyên số, nền công nghiệp 4.0, muốn cạnh tranh và phát triển thì phải phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, có thương hiệu chất lượng.

Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân với nhiều mục tiêu, giải pháp định hướng đã được nêu tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn những chỉ đạo, điều hành ưu tiên quá nhiều cho khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn các chính sách về đầu tư, giá cung cấp năng lượng, phí và lệ phí trong hoạt động, giao thông vận tải. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư, kinh doanh thua lỗ cũng được “giải cứu” bằng nhiều cách phi thị trường.  

Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, bên cạnh cơ hội là vô vàn thử thách đặt ra cho nước ta. Các doanh nghiệp tư nhân phải chủ động tìm kiếm đối tác để mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển.

Chính quyền nên có các định hướng hỗ trợ thiết thực bằng hành lang pháp lý, hành động cụ thể tạo điều kiện cho ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước lớn mạnh cùng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để thâm nhập thị trường quốc tế.

Việt Nam đã tham gia 15 FTAs, trở thành một trong những quốc gia mở cửa rộng nhất trên thế giới, mở ra cơ hội chuyển dịch lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đây được cho là cơ hội vàng cho nền kinh tế, môi trường hợp tác này mở ra với nhiều đối tác, thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hóa, triển vọng thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa khi nhập khẩu vào các thị trường rộng lớn này, nhất là một khi được xóa bỏ tới gần 100% thuế quan, theo nội dung cam kết trong EVFTA.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thử thách cũng không hề nhỏ. EVFTA phủ tới 28 quốc gia EU, là thị trường “rất khó tính”, yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa,... Doanh nghiệp trong nước phải hiểu luật, thị trường thế giới, có kỹ năng nhằm tránh các bất lợi.

Thiết nghĩ, cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân. Chính sách trong nước phải có sự thay đổi, điều chỉnh để đảm bảo công bằng và phân bổ nguồn lực quốc gia hợp lý. 

Được vậy thì nguồn lực quốc gia sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế, tự thân khẳng định sự phát triển thay vì phụ thuộc ưu đãi, giúp doanh nghiệp tư nhân có chiến lược và ước vọng tham gia cạnh tranh để ngày càng lớn mạnh.

Chính quyền, cơ quan chức năng với tầm nhìn dẫn dắt hướng tới phát triển theo chiều sâu mang tính lâu dài, đưa ra công cụ quản lý và hỗ trợ về mặt thể chế. Tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, thủ tục hành chính.

Thành lập tổ chức tư vấn chuyên nghiệp kết nối “sân chơi” thế giới cho doanh nghiệp, trong đó có EVFTA. Như cung cấp các dịch vụ đào tạo, tìm kiếm và đánh giá thị trường, trợ giúp pháp lý, cảnh báo sớm các tình huống bất lợi, theo dõi và đưa ra biện pháp khắc phục những thiếu sót nếu có…

Hỗ trợ doanh nghiệp làm quen dần môi trường mới cùng với luật chơi mới, hợp tác và phát triển thương mại với các doanh nghiệp trong liên minh, áp dụng các thông lệ phù hợp quy tắc ứng xử. Cần mời thêm các nhà tư vấn hàng đầu thế giới đến giúp hoạch định chiến lược, hỗ trợ thực tập các kỹ năng thiết yếu, trang bị quy trình an toàn cho hội nhập. 

Có đội ngũ doanh nghiệp mạnh mới là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất cho phát triển đất nước, thu ngân sách quốc gia từ trung ương tới địa phương. Chúng ta đã ký hàng 15 FTAs, là đối tác chiến lược toàn diện với 5 quốc gia, đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chúng ta phải ra khơi xa bằng hạm đội thuyền lớn là các doanh nghiệp dân tộc. 

Trần Văn Trãi

Không thể ra khơi xa bằng 'hạm đội thuyền thúng’Có lần gặp một doanh nhân, tôi đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp của anh và doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần gì nhất để phát triển?”. Không chút ngập ngừng, anh nói: “Chúng tôi chỉ mong được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp FDI. Vậy thôi”.