Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” được triển khai trong vòng bốn năm, từ năm 2020-2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, qua đó góp phần xóa bỏ các khuôn mẫu và định kiến giới phổ biến về vai trò của nam và nữ giới trong gia đình và xã hội, khả năng lãnh đạo của nữ giới và “khuôn mẫu nam tính độc hại” thông qua tăng cường lồng ghép giới trên truyền thông đại chúng.
Một trong những điểm nổi bật là sự tham gia của hơn 14.000 thanh niên và sinh viên tại các trường đại học ở ba thành phố lớn nói trên. Cùng với đó là sự thay đổi trong lồng ghép giới vào hoạt động truyền thông quảng cáo từ 50 doanh nghiệp và công ty sáng tạo nội dung, 19 cơ quan báo chí trên cả nước.
Cuối tháng 3 vừa qua, tại Hội thảo tổng kết Dự án do Oxfam tại Việt Nam và Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn (CISDOMA) tổ chức, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ: “Dự án đã đạt được và vượt xa mong đợi, các kết quả của dự án có ý nghĩa lớn thể hiện tinh thần giới trẻ Việt Nam trong việc xóa bỏ định kiến giới trong đời sống xã hội và trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Truyền thông, đặc biệt là truyền thông đại chúng, có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành quan điểm và thực hành trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nghiên cứu đầu vào của dự án cho thấy ở Việt Nam, phim ảnh, các chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo, truyền thông xã hội và các loại hình văn hóa đại chúng khác thể hiện những khuôn mẫu và định kiến về giới một cách khá phổ biến; đặc biệt là việc đóng khung vai trò giới, định kiến về khả năng lãnh đạo của phụ nữ và khuôn mẫu về nam tính của đàn ông.
Theo quan sát của ông Tú, không khó để thấy trên truyền thông những hình ảnh nam giới mạnh mẽ, quyết đoán, là trụ cột của gia đình, tạo áp lực lên đàn ông, trong khi người phụ nữ thường xuất hiện trong vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình, là phái yếu cần che chở… Điều đó khiến họ bị giới hạn trong sở thích, trong tham gia công việc xã hội và phát triển bản thân.
Phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới là rào cản cho sự phát triển. Đó là lý do tại sao Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) đề xuất cần chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử để đạt được bình đẳng giới. Đó cũng là lý do Liên minh Châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước này vào năm 1982.
Nhận định chung về quá trình triển khai dự án có sự tham gia của thanh niên với vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam trong bốn năm qua, bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nhấn mạnh sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thúc đẩy những quy tắc phát triển toàn diện và không phân biệt đối xử.
Không chỉ tạo ra các tác động thay đổi định kiến giới trên truyền thông ở thời điểm triển khai dự án, chúng tôi nhận định rằng, muốn thay đổi bền vững thì việc trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho thế hệ nhân sự tương lai trong các ngành nghề truyền thông là rất quan trọng. Vì thế, dự án đã làm việc cùng 5 trường đại học có chuyên ngành đào tạo về truyền thông và báo chí tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh để đưa các kiến thức về lồng ghép giới và bình đẳng giới vào chương trình ngoại khóa của các trường. Kết quả cho thấy đây là một hướng đi đúng và hiệu quả.
PV