{keywords}
Năm 2019 là một năm sôi động với nhiều hoạt động quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu và khu vực về quyền con người.

Trong bài viết có tựa đề :"Việt Nam phát huy vị thế trên các diễn đàn quốc tế về quyền con người", được đăng trên Tạp chí nhân quyền Việt Nam mới đây, các tác giả đánh giá, tại các diễn đàn, Việt Nam không chỉ khẳng định được chính sách và thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mà còn đóng góp thực chất vào nỗ lực chung thúc đẩy các giá trị về quyền con người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng như về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, di cư…

Tại các diễn đàn toàn cầu như Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng như tại các diễn đàn khu vực như ASEAN, APEC, ASEM, Việt Nam luôn thể hiện cách tiếp cận xây dựng, cân bằng và toàn diện về quyền con người, từ những những nội dung về quyền phát triển, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền nước sạch, quyền giáo dục, cho đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền tiếp cận y tế và các dịch vụ xã hội, cho tới các chủ đề về khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, ma túy, phòng chống mua bán người… Cách tiếp cận xây dựng và sự tham gia tích cực của Việt Nam đã tạo ra sự tin tưởng và ủng hộ của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn về quyền con người trong năm 2019, trong đó trước hết phải kể đến Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III (UPR) – cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Bài báo đã hệ thống lại các sự kiện: Tháng 01/2019, Việt Nam đã tham gia trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ III. 122 quốc gia đã tham gia phát biểu tại phiên đối thoại, số lượng cao nhất trong 3 chu kỳ rà soát của Việt Nam. Việt Nam nhận được 291 khuyến nghị từ các quốc gia, trong đó phần lớn là những khuyến nghị phù hợp với chính sách, pháp luật và ưu tiên của Việt Nam. Rất nhiều nước, kể cả các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nhất là trong việc hoàn thiện pháp luật và chính sách về quyền con người, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền giáo dục, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…

Tháng 7/2019, tại phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR, Việt Nam đã chính thức thông báo việc chấp thuận 241 trên tổng số 291 khuyến nghị (chiếm 83%), trong đó có 21 khuyến nghị chấp thuận một phần. Đây là tỷ lệ chấp thuận tương đối cao, so với nhiều nước đã thực hiện rà soát theo chu kỳ III. Các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận bao quát tất cả các lĩnh vực quyền con người, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người, bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của người lao động, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức và giáo dục quyền con người; xem xét gia nhập và thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người, và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người.

Tại phiên họp này cũng như sau đó, chúng ta đã nhận được không ít đánh giá tích cực từ các nước và các tổ chức quốc tế đối với những nỗ lực về bảo đảm quyền con người, cũng như sự nghiêm túc trong thực thi các cam kết về quyền con người, trong đó có cam kết theo cơ chế UPR.

Trong năm 2019, Việt Nam cũng đã bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự, chính trị, một trong những Công ước được xem là “khó” và thu hút được sự quan tâm cao của dư luận quốc tế. Phiên bảo vệ đã diễn ra thành công trên tinh thần trao đổi thẳng thắn. Việt Nam đã giải đáp rõ ràng với lập luận vững chắc về chính sách và pháp luật của Việt Nam về quyền con người, cũng như thực tiễn triển khai các nghĩa vụ theo Công ước. Chúng ta cũng cung cấp thông tin để giúp cho các thành viên Ủy ban công ước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế Việt Nam, nhất là khi một số ủy viên còn tiếp cận với những thông tin không chính thống và không được kiểm chứng.

Trong thảo luận về các nội dung chuyên đề tại các diễn đàn về quyền con người, Việt Nam ủng hộ bảo đảm cách tiếp cận toàn diện và cân bằng giữa các nhóm quyền, nhất là khi nhiều nước phương Tây luôn có xu hướng coi trọng hơn các quyền dân sự, chính trị so với các quyền khác. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước đang phát triển để thúc đẩy các ưu tiên của các nước đang phát triển, đặc biệt liên quan đến quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, chúng ta luôn nhấn mạnh vấn đề quyền con người cần được xem xét trên cơ sở tôn trọng những yếu tố đặc thù của mỗi quốc gia về lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển. Từ sự tôn trọng đó, các quốc gia mới có thể thấu hiểu và không áp đặt các tiêu chuẩn lên quốc gia khác, dù đó là vấn đề xóa bỏ án tử hình, hợp pháp hóa ma túy, hôn nhân đồng giới hay tự do ngôn luận trên không gian mạng…

Cùng với việc bảo đảm các nguyên tắc trên, Việt Nam đang nỗ lực để có thể giữ vai trò nòng cốt và dẫn dắt trên nhiều nội dung tại các diễn đàn về quyền con người, nhất là với việc tiếp tục giới thiệu và duy trì các sáng kiến. Năm 2019, tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền của người khuyết tật với 49 nước đồng bảo trợ. Việt Nam cũng thay mặt ASEAN phát biểu tại Tọa đàm về biến đổi khí hậu và quyền phụ nữ tại Hội đồng Nhân quyền Khóa 41 (tháng 6/2019), một cuộc Tọa đàm được tổ chức trên cơ sở Nghị quyết do Việt Nam chủ trì giới thiệu tại Hội đồng nhân quyền vào năm 2018. Với những hoạt động này, Việt Nam đang được xem là thành viên nòng cốt tại Hội đồng nhân quyền trong thúc đẩy nội dung về biến đổi khí hậu và quyền con người.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng là thành viên tích cực chủ trì nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN về quyền con người, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC). Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo AICHR về Thúc đẩy bình đẳng giới và Tăng cường quyền năng cho phụ nữ thông qua Công nghệ thông tin (tháng 11/2019), Hội nghị về thúc đẩy phát triển trẻ em châu Á – Thái Bình Dương (tháng 12/2019). Đặc biệt, chuẩn bị cho nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong năm 2019, Việt Nam tích cực nghiên cứu, chuẩn bị cho sự tham gia tại đề mục “Phụ nữ, hòa bình và an ninh” của Hội đồng Bảo an. Trong nhiệm kỳ 2008 – 2009, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột. Phát huy từ kết quả đó, chúng ta dự kiến sẽ chủ trì tổ chức một số sự kiện quan trọng trong năm 2020 liên quan đến nội dung này, nhất là về vai trò của phụ nữ trong thương lượng, xây dựng hòa bình, tái thiết sau chiến tranh.

Bài phân tích đúc kết quan trọng, tại các diễn đàn LHQ cũng như các diễn đàn khu vực liên quan đến quyền con người, sự tham gia của Việt Nam ngày nay không chỉ dừng lại ở mức độ thông tin đến cộng đồng quốc tế về chính sách, pháp luật và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, chúng ta đã từng bước đóng góp thực chất hơn vào các diễn đàn, bằng cách chia sẻ cách tiếp cận và kinh nghiệm của Việt Nam, chủ động đóng góp trách nhiệm vào những vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm, cũng như sẵn sàng đóng vai trò nòng cốt, sẵn sàng làm cầu nối, trung gian hòa giải khi cần.

Thu Thủy