Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến chiều 9/1, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ băn khoăn: “Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, vậy địa phương, nhà trường được chủ động thực hiện ra sao?”

Ông Nguyễn An Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai nói rất tâm đắc về chương trình giáo dục địa phương,  "song đây cũng là nội dung rất khó”.

Nhiều ý kiếnmuốn Bộ GD-ĐT hướng dẫn rõ hơn về chương trình giáo dục của địa phương trong việc thực hiện chương trình phổ thông mới.

{keywords}
 

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới nhắc lại một số nội dung đã có trong các quy định.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và cấp THPT, nội dung giáo dục của địa phương có thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết.

Căn cứ nhu cầu thực tế, các địa phương và nhà trường lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục sao cho phù hợp.

“Ví dụ Hà Nội có thể xây dựng các bài học về văn hóa người Tràng An, văn hóa và pháp luật về giao thông, trật tự vệ sinh đô thị,... TP.HCM muốn xây dựng thành phố thông minh thì có thể bổ sung các nội dung xây dựng các bài học về thành phố thông minh, văn hóa của công dân,… Các tỉnh Tây Nguyên có thể xây dựng các bài học về văn hóa các dân tộc thiểu số, kinh tế cây công nghiệp bởi đây là vùng đất có lợi thế loại cây này,… Các tỉnh Việt Bắc có thể xây dựng các bài học về văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng biên giới hữu nghị, an toàn,…”, GS Thuyết nêu dẫn chứng.

{keywords}
Đại biểu dự hội nghị 

GS Thuyết cho biết thêm đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm học, không quy định thời lượng đến từng tuần và để các trường được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp.

Đối với cấp tiểu học là cấp học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn đối với những trường chưa có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày.

Đối với cấp THPT là cấp học có nhiều môn học lựa chọn, chương trình cũng quy định: Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.

Đại diện Sở GD-ĐT Lào Cai băn khoăn với thực tế tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình mới: “Theo chương trình mới thì 1 ngày học sinh học không quá 7 tiết. Như vậy theo quy định này thì một ngày sẽ còn thời lượng khoảng 1 giờ đồng hồ. Nếu cho học sinh tan trường sớm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đón con của phụ huynh. Nếu không, thời gian 1 giờ ấy thì các trường sẽ tổ chức các hoạt động như thế nào?”.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hùng

Giải đáp điều này, GS Thuyết cho hay, các nhà trường hoàn toàn được chủ động tổ chức học tập, vui chơi, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho học sinh vào thời gian đó.

“Tuy nhiên, trong lúc chờ phụ huynh đến đón thì không phải là biện pháp bắt buộc. Phụ huynh học sinh có nguyện vọng, nhà trường có điều kiện thì tổ chức. Quy định không quá 7 tiết/ngày nhằm giúp học sinh đỡ căng thẳng, áp lực”, GS Thuyết nói.

Về điều này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý: “Một trong những mục tiêu của việc đổi mới chương trình là giảm tải cho giáo viên và học sinh. Do đó, đối với những buổi mà đã sắp xếp với mục đích để giãn áp lực, có thời gian cho các cháu được nghỉ ngơi, vui chơi thì đề nghị các trường cố gắng quan tâm đến việc tổ chức sân chơi, bãi tập, các hoạt động giải trí. Thậm chí ngay ở trong lớp hay trong khuôn viên nhà trường. Cố gắng để cho học sinh thư giãn,  không được dùng thời gian trống đó để học thêm”.

Thanh Hùng – Thúy Nga

Giáo viên, nhà trường có "tải" được chương trình phổ thông mới?

Giáo viên, nhà trường có "tải" được chương trình phổ thông mới?

Cùng với băn khoăn này, một vấn đề được đặt ra: Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thành bại của lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sẽ bắt đầu vào năm 2020.