LỜI TOÀ SOẠN:

Sống ở bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng có những người hàng xóm và có những câu chuyện bi hài khó nói. Báo VietNamNet mở diễn đàn Chuyện hàng xóm. Mời quý độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình qua địa chỉ mail: Bandoisong@vietnamnet.vn. 

Tôi quê ở Thái Bình, một tỉnh thuần nông ngoài miền Bắc. Vì cuộc sống khó khăn, tôi vào TPHCM mưu sinh. Tôi đã chuẩn bị tâm lí “ở thành phố, nhà nào biết nhà đó”.

Khi mới vào, tôi phải đi ở trọ. Căn phòng khoảng 12m2 là chỗ ở cho 3 người, mỗi người một quê, ở như vậy cho tiết kiệm. Nói là ở, nhưng đó chỉ là nơi chúng tôi về ngủ sau những giờ làm việc.

Có lúc cả tuần chúng tôi không gặp nhau, bởi lịch làm việc mỗi đứa một khác. Vì công việc bận rộn, tôi chẳng để ý đến các phòng trọ bên cạnh, đúng như suy nghĩ ban đầu “nhà nào biết nhà đó”.

Làm việc được vài năm, tôi lấy vợ. Hai vợ chồng tích góp, cùng sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại, mua được căn chung cư cũ tại Gò Vấp.

Chung cư đã xây dựng được gần hai chục năm. Nó giống như khu tập thể hơn. Đối với vợ chồng tôi, có được chỗ ở của riêng mình là tốt rồi. So với lúc ở trọ, đây chả khác nào thiên đường. 

chungcu.jpg
Ảnh minh họa: PX

Về chỗ ở mới, vợ chồng tôi vẫn theo phương châm sống “đèn nhà ai, rạng nhà đó”. Có lẽ cái suy nghĩ “người thành phố không bao giờ quan tâm đến ai” đã vô tình ăn sâu vào tiềm thức của chúng tôi.

Tuần đầu tiên dọn về chỗ mới, mọi người xung quanh nhìn vợ chồng tôi với ánh mắt tò mò, xen lẫn chút cảnh giác. Có lẽ, họ đang băn khoăn về vẻ bề ngoài khá lạnh lùng, có phần nghênh ngang của tôi, cái khuôn mặt ít người muốn gần gũi.

Sáng Chủ nhật, khi gia đình tôi đang ngon giấc, bỗng có tiếng gọi: “cháu ơi, dậy dọn vệ sinh chung cư”.

Lời gọi khiến chúng tôi tỉnh giấc, ra mở cửa, chưa kịp hiểu chuyện gì đã được một ông chú dáng người gầy gò dúi vào tay cái chổi, cái túi ni-lông. Tự nhiên, tôi bị cuốn vào công việc dọn vệ sinh chung cư cùng mọi người.

Qua vài câu chuyện chắp vá, tôi biết được, do là chung cư kiểu cũ không thu phí vận hành, nên việc bảo trì hay dọn vệ sinh tự cư dân phải làm. Mọi người thống nhất cùng nhau dọn vệ sinh vào cuối tuần.

Những ngày sau, như cởi bỏ được những thắc mắc, mọi người mở lòng hơn với vợ chồng tôi.

Trong khu chung cư chỉ tầm trăm gia đình, mọi người biết mặt nhớ tên nhau hết. Xuống hầm xe, gặp phụ nữ hay người già, những người đàn ông khỏe mạnh sẵn sàng dắt giúp xe ra ngoài. Ai gặp nhau cũng luôn nở nụ cười và lời chào hỏi.

Tầm năm 2014, ngày vợ sinh đứa con đầu, tôi đang trực đêm ở cơ quan. Khi vợ gọi điện báo, tôi vội vàng nhờ đồng nghiệp tới trực thay, nhưng họ bận. Tôi nhờ bạn bè, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể tới liền. Khi đang lo lắng, vợ gọi điện nói: “Anh yên tâm, có 2 chị hàng xóm đưa đi bệnh viện rồi”.

Nghe xong, lòng tôi nhẹ nhõm đôi phần. Khi tôi đến bệnh viện, vợ tôi đã sinh em bé. Thấy vợ con khỏe mạnh, tôi hạnh phúc vô cùng.

Bên ngoài phòng sinh, mấy người hàng xóm bắt tay chúc mừng tôi. Một chị rôm rả: “Cô ấy đẻ dễ lắm, con so mà dễ như con rạ, đến bệnh viện đẻ luôn”. Tôi nhìn ánh mắt mọi người, thấy trong đó cũng dâng trào hạnh phúc giống tôi. Tôi nói lời cảm ơn trong niềm xúc động tột cùng.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, cái chung cư tôi ở ngày càng cũ kỹ hơn. Đứa con đầu lòng của chúng tôi đã học năm cuối tiểu học, lớn vậy mà vẫn chạy từ nhà này sang nhà khác ở chung cư chơi với bạn bè, thậm chí vẫn làm nũng với các cô bác, ông bà.

Nơi tôi ở là vậy, mọi người luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau thật lòng, nhà ai có chuyện buồn vui đều sẵn sàng chia sẻ.

Nhà ai thiếu chút mắm, muối, gia vị nấu ăn vẫn sang xin nhà hàng xóm, khi bận không đón được con lại nhờ hàng xóm. Hàng xóm gần như không nói xấu nhau, không đặt điều cho người khác.

Chung cư cũ nhưng luôn sạch sẽ, an ninh trật tự, quan trọng hơn là ấm áp tình người. Những ngày lễ, Tết, mọi người bảo nhau treo cờ, treo đèn nháy, đèn lồng trang trí. Con đường vào chung cư lung linh ánh đèn.

Năm nào, chung cư cũng tổ chức tất niên, quà khuyến học cho các cháu nhỏ, kinh phí trích từ thu chi của hầm giữ xe.

Cuộc sống của gia đình tôi ngày một tốt hơn, nhiều khi muốn chuyển đến một chỗ ở tiện nghi, nhưng cái tình người ở nơi đây đã níu chúng tôi lại. Chúng tôi thật hạnh phúc và may mắn có những người hàng xóm thân thiện và giàu yêu thương.

Dần dần, suy nghĩ “ở thành phố, nhà nào biết nhà ấy” không còn trong lòng tôi nữa. Khi mỗi người đối xử tốt với nhau, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

Độc giả: An Phú