Theo đó, sau khi cất cánh được hơn 2 giờ, hành khách V.T.V. ngồi ghế 24G (32 tuổi, quốc tịch Việt Nam) gặp vấn đề về sức khỏe (nghi tụt huyết áp, tay chân lạnh). Phi hành đoàn đã kêu gọi hỗ trợ của một hành khách là y tá trên chuyến bay và được đánh giá hành khách V.T.V. cần đi cấp cứu ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.

Phi hành đoàn đã lập tức thông báo, trao đổi trực tiếp với trung tâm điều hành khai thác của Vietnam Airlines qua hệ thống liên lạc trên máy bay và quyết định phải hạ cánh xuống sân bay gần nhất là sân bay Đào Viên lúc 13h27 ngày 27/12 (giờ địa phương) để cấp cứu, đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách V.T.V.

Ngay khi hạ cánh xuống sân bay, chi nhánh Vietnam Airlines tại Đài Loan đã chuẩn bị xe cấp cứu và đưa khách tới bệnh viện nhanh nhất có thể.

Hanh khach duoc dua di cap cuu ngay khi may bay cua VNA ha canh khan cap o san bay Dao Vien (Dai Bac).jpg
Hành khách được khẩn trương đưa đi cấp cứu. Ảnh: VNA

Hiện tại, hành khách đã có biểu hiện tỉnh táo hơn và đang được làm xét nghiệm tại bệnh viện. Đại diện hãng đang giữ liên lạc thường xuyên để thăm hỏi, cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe và tiếp tục trợ giúp hành khách khi cần thiết.

Sau khi hành khách được đưa đi cấp cứu, chuyến bay số hiệu VN307 đã tiếp tục hành trình về TPHCM, hạ cánh chậm hơn 3 giờ 10 phút so với kế hoạch. 

Hạ cánh khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng hành khách là cấp thiết, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định kịp thời từ phi hành đoàn cũng như hãng hàng không. Mặc dù, việc điều hướng chuyến bay để hạ cánh khẩn cấp luôn tiêu tốn không ít nguồn lực, chi phí cho việc sắp xếp lại chuyến bay, tra nạp nhiên liệu,… 

Trước đây, Vietnam Airlines đã không ít lần tiến hành hoãn chuyến bay hoặc hạ cánh khẩn cấp đối với các trường hợp hành khách gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, cần sự trợ giúp kịp thời.