Khách sạn thành ký túc xá
Minh Hằng (39 tuổi) đang thuê một giường ngủ theo dạng phòng dorm (dormitory - phòng tập thể hay phòng giường tầng kiểu ký túc xá) ở đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM). Theo chị, với giá thuê 2,2 triệu đồng/tháng bao gồm chi phí điện, nước thì đây là mức khá rẻ ngay tại trung tâm TP, thuận tiện cho việc di chuyển.
Điều đặc biệt, căn phòng dorm nói trên được cải tiến từ một phòng khách sạn nằm trong khu vực phố Tây - Bùi Viện. Do vắng khách ngoại kéo dài khi dịch Covid-19 bùng phát nên cực chẳng đã, từ một khách sạn chuyên nghiệp, nơi đây chuyển thành nhà trọ ký túc xá cho sinh viên và dân văn phòng.
Chị Cao Phi Yến - chủ khách sạn Bùi Viện Street Hostel - cho biết, kinh doanh dạng phòng giường tầng giá thuê rẻ để duy trì hoạt động. Lượng khách thuê theo tháng sẽ giúp “nuôi” khách sạn và bù đắp cho việc thiếu hụt khách quốc tế. Ngoài ra, du khách Tây “ba lô” cũng rất thích kiểu giường tầng này bởi tiết kiệm chi phí. Giá thuê giường tính theo ngày là 5-6 USD/ngày (tương đương hơn 120.000 đồng), khách sạn hiện có 50 giường.
Không chỉ riêng chị Yến, nhiều chủ khách sạn tại khu vực Bùi Viện nhận định, lượng khách ngoại thuê phòng hiện chỉ đạt 30-40% so với trước dịch. Các cơ sở lưu trú đang dùng mọi biện pháp nhằm cắt giảm chi phí, hạ giá phòng xuống mức thấp nhất có thể để hút khách.
Anh Nguyễn Gia Hào, đại diện khách sạn New York Thiên Phúc, cho hay, khách sạn này điều chỉnh giá thuê phòng từ 1-3 triệu đồng/đêm xuống còn 600.000-800.000 đồng/đêm, nhưng lượng khách cũng mới đạt khoảng 70%. Hiện, khách Nga, Mỹ, Đài Loan đến lưu trú là chủ yếu.
Sau dịch, du khách tính toán, tiết kiệm trong chi tiêu và tìm hiểu điểm đến kỹ hơn trước. Do đó, các khách sạn muốn cạnh tranh buộc phải giảm giá phòng.
“Con hẻm khách sạn chuyên phục vụ khách Tây trước đây cứ cuối tuần là không thể chạy xe vào được, kín mít người thì giờ vắng hẳn”, anh nói.
Giá thuê giảm từ 45 triệu xuống 8 triệu vẫn sập tiệm
Trong khi đó, cách phố đi bộ Bùi Viện khoảng 8 phút chạy xe máy là con hẻm dẫn vào khu phố Nhật trên đường Thái Văn Lung (quận 1), 4 nhà hàng liền kề đều đang dán biển cho thuê cửa hàng. Chủ kinh doanh cũ đã không thể cầm cự nổi sau đại dịch, buộc trả lại mặt bằng.
Võ Thị Bé Quỳnh - quản lý quán Torisho - so sánh thời điểm mở cửa quán từ 5 năm trước và cảnh “ảm đạm” bây giờ, lượng khách chỉ bằng 40%. Lúc đó, khách ăn uống ra vào tấp nập, thường kín chỗ và phải đặt trước cuối tuần. Trái lại, giờ lai rai khoảng 50 khách/ngày, nhiều hôm không có khách tới ăn.
Chị Nguyễn Cẩm Tú, quản lý nhà hàng Fujiro, thông tin, khách nước ngoài đến ăn tại đây chỉ bằng 1/3 so với trước dịch. Một chi nhánh khác của nhà hàng nằm ở quận 7, thực khách còn thấp hơn nữa. Ví dụ, trước đây, ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật phục vụ từ 250-300 khách/ngày thì giờ còn khoảng hơn 100 khách, ngày thường chừng 80 khách/ngày.
Cũng theo chị Tú, các nhà hàng trong khu phố chủ yếu phục vụ khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, là những người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam còn khách du lịch mới hầu như không có.
Trong khi thực khách vắng thì chi phí nguyên liệu đầu vào như rau, thịt đều đã tăng giá khoảng 15%, nhà hàng thì không thể điều chỉnh giá vì còn giữ khách.
Kinh doanh ế ẩm nên nhiều nhà hàng Nhật Bản chấp nhận đóng cửa do không trụ nổi, chủ quán làm ăn thua lỗ. Có trường chủ nhà đã giảm tiền thuê mặt bằng từ 2.200 USD/tháng (khoảng 45 triệu) xuống còn 8 triệu/tháng mà chủ kinh doanh còn không có tiền trả, thiếu nợ mấy tháng, cuối cùng đóng cửa.
“Nhiều mặt bằng treo biển cho thuê lâu rồi mà mãi cũng chẳng có người đến hỏi”, quản lý Fujiro chia sẻ.
Trần Chung
Hủ tiếu, trà sữa, cơm tấm, ốc, cá viên chiên,... đủ các món ăn vỉa hè đang được bán ở phố Tây - Bùi Viện (TP.HCM). Các quán bar đình đám tại đây buộc phải bán đủ mặt hàng xa lạ để duy trì cuộc sống.